Làng "ôm con người, khóc con mình" có một không hai

Thứ hai, ngày 30/08/2010 14:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Ôm con nhà người, khóc con nhà mình” là tình cảnh của phụ nữ ở làng ít ai nghe đến - “làng osin” Việt Sơn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Bình luận 0

Làng “độc nhất vô nhị”

Tôi đến làng trong một buổi sáng nắng rát mặt người. Nhà nhà đóng cửa. Im lìm. Rất may có một bà cụ ngồi đơn độc trong nhà. Cụ tên Lê Thị Thành, (85 tuổi) cho biết: “Làng chỉ còn đàn ông thôi nhưng ở hết ngoài đồng rồi. Phụ nữ thì loe que vài người, còn lại đi giúp việc hết”.

Tôi đợi. Đến trưa, chỉ có thêm một cô bé là cháu nội bà Thành, tầm 10 tuổi, đi học về. Cô bé này bao nhiêu tuổi thì bấy nhiêu năm sống xa mẹ. Mẹ em đi làm osin ở thành phố từ khi em chưa ra đời và không biết đến bao giờ mới “hưu”.

img
Hàng ngày hai con của chị Trình tự chơi, không có bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Tôi sang nhà kế bên của bà Nguyễn Thị Ngộ. Bà không có ở nhà. Bà ấy đi giúp việc chứ còn đi đâu” - giọng bà Thành vọng qua. “Bà Ngộ 70 tuổi rồi, sống cảnh đơn chiếc một mình. Bả đi giúp việc nhà cho người ta cũng hơn 15 năm nay. Về thăm nhà, bả có tâm sự với tui là chừ già rồi nên làm gần gần, hễ có việc gì cũng dễ chạy về. Phận già có một mình nếu không đi làm thuê thì lấy gì ăn”- bà Thành kể.

 

Cả làng Việt Sơn hơn 100 hộ nhưng đã hơn phân nửa hộ có phụ nữ tha phương khắp nơi làm nghề giúp việc nhà. Hầu như phụ nữ Việt Sơn đều có thâm niên làm giúp việc hơn 10 năm trở lên. “Đó là những hộ có phụ nữ đi giúp việc nhà thường xuyên, từ năm này sang năm khác. Chứ đi thời vụ thì nhiều vô khối, không tính nổi”- chị Lại Thị Hào - chi hội trưởng Phụ nữ Việt Sơn, cho biết.

 

Ôm con nhà người, khóc con nhà mình

 

Ám ảnh tôi suốt dọc đường về là hình ảnh hai đứa con chị Nguyễn Thị Trình (SN 1977) mặt mũi lấm lem ngồi nghịch đất và mấy ống trúc nhặt được. Bé trai Lê Văn Sang (8 tuổi) có vẻ nhút nhát.

Ông Thành, ông ngoại của Sang, ngồi vót tre gần đấy cho biết: “Nó 8 tuổi mà trí não phát triển thua đứa 6 tuổi. Học lớp 1 hai năm rồi mà giờ vẫn chưa thuộc hết mặt chữ”. Hỏi cha mẹ bé Sang đâu, ông Thành nghẹn ngào: “Cha hắn nghèo khó quá, bực chí sinh rượu chè, thỉnh thoảng đánh đập vợ con. Con gái tôi không biết làm sao đành phải để con ở nhà mà vào Sài Gòn làm giúp việc cho người ta, gởi tiền về cho tui nuôi cháu”.

img Phụ nữ trong làng ra đi làm nhiều nghề, bán bưng, vé số... đủ cả, nhưng lựa chọn làm giúp việc là nhiều nhất vì đỡ thắc thỏm chuyện thuê nhà, bị giựt hàng img

Chị Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Trị

Theo số điện thoại ông Thành đưa, tôi nhấc máy gọi cho chị Trình. Vừa hỏi chuyện, vừa cho hai bé được nghe giọng mẹ. Đến lượt mẹ hai đứa trẻ khóc, nói trong tiếng nấc nghẹn: “Con mình, mình không chăm, để con lăn lóc vọc đất cả ngày. Ốm đau phó mặc ông trời. Vào trong này, ngày ngày mình nâng như nâng trứng con người ta trên tay. Nghĩ đến hai đứa con ở nhà lòng như đứt đoạn. Cũng vì cái nghèo mà ra thế này!”.

Cô bé Trần Thị Phương Trang năm nay 19 tuổi, là chị cả của hai đứa em, có “thâm niên” xa mẹ hơn chục năm. “Ngày mẹ đi làm xa, em chưa đầy 10 tuổi, 3 chị em nhớ mẹ khóc suốt. Ngày em lần đầu đến kỳ con gái, chẳng có mẹ ở bên tâm sự, hỏi han, tủi thân lắm”- bé Trang tỉ tê.

Cô bé Huyền (cháu bà Thành), “chỉ dẫn viên” cho tôi, vừa đi vừa kể chuyện nhà mình: “Từ nhỏ đến lớn em toàn ở với nội. Mẹ đi chăm một ông già bệnh tật, lương tháng 1,5 triệu đồng. Mẹ chẳng dám tiêu, gởi hết về cho bà cháu em”.

Đất Việt Sơn khô cằn, sỏi đá, nước không đủ tưới những cánh đồng khô hạn quanh năm. Đàn ông Việt Sơn dẫu không muốn cũng phải cắn răng cho vợ bôn ba tha phương kiếm tiền gửi về lo gạo, mắm cho gia đình. Những đứa trẻ ở đây vẫn khát khao hơi ấm yêu thương của mẹ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem