Làng chài rệu rã
Làng chài Hà Phong (khu 8 phường Hà Phong, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) có nghề truyền thống là lưới chài trên biển. Từ khi được cấp nhà trên bờ ở khu tái định cư phường Hà Phong, thực hiện đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long”, hơn 300 hộ dân chài đã có nhà ở ổn định. Nhiều người chuyển đổi công việc từ nghề đi biển sang lên bờ làm thuê, chèo đò dịch vụ ở những điểm du lịch trên vịnh. Số còn lại vẫn giữ nghề truyền thống.
Bến tàu làng chài Hà Phong quạnh hiu những ngày cả nước phòng, chống dịch Covid-19.
Từ đầu năm đến nay, chị Phạm Thị Yên (SN 1988, số nhà 36, làng chài khu 8 phường Hà Phong) gần như chỉ quanh quẩn ở nhà, hết ăn lại nằm. Vốn là người hoạt bát, nhanh nhẹn từ dưới sông nước đến lên trên bờ, vậy mà giờ này, chị phải chịu “bó chân, bó tay”, ngày ngày vào ra ngóng việc.
Từ ngày lên bờ ở làng chài Hà Phong từ năm 2014, vợ chồng chị Yên bỏ hẳn nghề chài lưới. Chồng đi làm phụ vữa cho đội thợ xây, vợ hàng ngày làm thuê cho một nhà hàng ở khu Cái Xà Cong. Thu nhập của 2 vợ chồng cũng đủ duy trì sinh hoạt cho gia đình 5 người.
Trước khi lệnh cách ly xã hội có hiệu lực, ngay từ tháng 2, nhà hàng nơi chị Yên làm việc đã đóng cửa, đồng nghĩa với số tiền lương 5 triệu đồng/tháng của chị bị cắt. Việc của chồng cũng phập phù, số tiền lương tính theo công nhật của anh không đủ để chị Yên đong gạo.
Bữa cơm với lạc rang mặn đã xuất hiện nhiều ngày nay trong nhà chị Yên.
“Sang đến tháng 3, nhà em bắt đầu phải đi đong gạo chịu (ký nợ), nhưng chịu mãi ai cho. Vay tiền thì thời buổi này ai cũng khó, chưa mở mồm ra vay đã thấy ngượng rồi. Hôm qua, không biết bà ngoại “khóc lóc” thế nào mà bà dì ở Cao Xanh điện thoại bảo em vào nhà, bà cho yến gạo”, chị Yên mếu máo kể.
Gia cảnh như chị Yên không phải là hiếm gặp làng chài Hà Phong. Ở dãy nhà đối diện, anh Nguyễn Văn Cường, lao động chính trong gia đình 6 người, cũng đang trong những ngày dài thất nghiệp. Chiếc võng đan bằng sợi cước kẽo kẹt trước hiên nhà như rệu rã hơn kể từ ngày anh nghỉ việc.
Bà Miên thất thần nhìn ra biển ngóng con.
Làm nghề chèo đò đưa khách tham quan khu vực hang Luồn (vịnh Hạ Long) cho một công ty du lịch, anh Cường cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Kể từ ngày 12/3, khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện tạm dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, hàng loạt doanh nghiệp làm dịch vụ tại các điểm du lịch trên dừng hoạt động. Anh Cường bắt đầu những ngày dài lê thê, nằm võng đếm quả trứng cá rụng trước hiên nhà.
Vốn quen với nghề sông nước, nên khi lên bờ, anh Cường cũng như nhiều người dân làng chài Hà Phong không biết làm nghề gì khác. Nhưng nằm mãi chẳng đành, hồi đầu tháng, anh xin đi theo tàu của người hàng xóm đánh lưới mực tận biển Cô Tô. “Tôi đi để kiếm bữa ăn, chứ tàu người ta cũng đủ lao động rồi, có cần thuê mình làm đâu”, anh Cường nói.
Mới làm được mấy ngày thì biển động, tàu lại phải về bờ. Những bữa cơm rượu với mực, cá tươi trên tàu chỉ còn là kỷ niệm với anh Cường. Những ngày gần đây, mấy đồng dành dụm trong nhà anh cũng bắt đầu cạn, bữa cơm nhà anh cũng ít thức ăn dần, gạo dẻo trắng trước kia nay cũng thay bằng thứ gạo xỉn vàng, hạt cơm rời rạc...
Nhiều hộ đóng cửa ra biển trốn dịch, cũng để mưu sinh kiếm bữa ăn.
Ra biển trốn dịch
Xóm chài Hà Phong những ngày này vắng hẳn tiếng nhạc xập xình. Người khu trưởng già tên Bội cho biết, “Sở dĩ làng chài giờ ít người ở nhà vì phần lớn họ dắt díu nhau ra biển trốn dịch, cả tháng không về. Ở nhà chỉ còn lại ông bà già và trẻ nhỏ. Tâm lý sợ dịch là một phần, phần nữa cũng vì ở nhà thì không có gì để ăn, nên dân chài Hà Phong đành kéo nhau ra biển, bắt được con gì, ăn con nấy, chứ ngày này, tôm cá bán cũng rẻ lắm, không bõ tiền dầu máy”.
Hôm trước, biết tin vợ chồng anh Hà Văn Sơn kéo theo cả mẹ già ốm ra biển, vì ở nhà không có người chăm, ông Bội liên tục điện thoại hỏi thăm, nhưng đến ngày 15/4, ông vẫn chưa liên lạc được. Căn nhà chất đầy những vỏ nhựa, miếng xốp cũ, xỉ than tổ ong... trước cửa, nay vẫn đóng im lìm.
Ông Nguyễn Văn Kỵ có 2 con làm nghề chèo đò đang thất nghiệp, ông mở ví đếm những đồng bạc cuối cùng để chi tiêu.
Cả tháng nay, nhà bà Nguyễn Thị Miên (85 tuổi) cũng vắng lặng tiếng người. Trước đây, con trai bà làm phục vụ trên tàu du lịch, hàng ngày đi làm về cùng cả nhà quây quần bữa tối. Con gái và con dâu bà cũng làm chèo đò và bán hàng thuê trên vịnh Hạ Long. Nhưng từ hơn 1 tháng nay, lần lượt cả mấy người đều kéo nhau ra biển, quay trở về với nghề cũ là chài lưới, đánh hà, bắt ốc... “Tôm cá giờ đâu có nhiều như xưa. Người khôn của khó, nhiều bữa đi cả buổi không nổi mấy chục nghìn", bà Miên lơ đãng nhìn ra hướng biển.
Những ngày mới có dịch, chưa bao giờ Dương Thị Tâm (SN 2000, tổ 61 khu làng chài Hà Phong, làm nghề vớt rác trên biển cho HTX vạn Chài) nghĩ "sẽ đến mức độ này". Ở làng chài Hà Phong, vợ chồng cô là những người nghỉ việc cuối cùng. Hàng xóm đi chèo đò, bán hàng thuê, rửa bát... đã nghỉ trước đó cả tuần hoặc nửa tháng.
Lao động thất nghiệp nằm dài trong những căn nhà định cư tại làng chài Hà Phong.
“Từ ngày đi làm đến giờ, tôi chưa lúc nào thấy vịnh Hạ Long vắng như năm nay”, Tâm chia sẻ. Những chiếc tàu sắt, du thuyền sang trọng hàng ngày xuôi ngược đưa khách vào trong lòng vịnh, giờ nằm ngả nghiêng trên bến cảng, là hình ảnh quá xa lạ đối với Tâm.
Tối hôm trước, Tâm cầm 5 triệu đồng, những đồng tiền tích cóp cuối cùng trong nhà, và nghĩ về trăm thứ phải chi tiêu cho 6 miệng ăn trong những ngày tiếp theo. Đó là nếu dịch được khống chế, còn trong trường hợp xấu hơn, Tâm chưa thể tính được.
Trong đầu người mẹ 20 tuổi hiện lên danh sách những thứ phải mua. Tối hôm trước, Tâm vét thùng kiểm tra, còn hơn chục bơ gạo. Vợ chồng tranh thủ vòng qua đại lý xách về thêm 20kg. Trong khi đó, cả nhà mỗi tháng ăn hết khoảng 50kg. Một thùng mì tôm ngày trước bán 95.000 đồng, giờ đã lên 110.000 đồng. Cô vòng đi mấy đại lý, mãi mới có nhà bán 105.000 đồng.
Thậm chí, đến bọn trẻ con làng chài cũng đã nhận ra sự đổi thay trong những bữa cơm suốt 2 tháng qua. Thứ bảy tuần trước, chị Phạm Thị Quý về qua chợ, chỉ dám mua mấy bìa đậu với bơ lạc về rang muối. Con bé út gảy gảy mấy hạt lạc rang trong bát, rồi lại nhìn đĩa đậu phụ trắng phau. Chị Tâm đành nói dối: "Nay mẹ về muộn, hàng thịt đóng rồi, mai mẹ mua nhé".
Trước khi lên bờ sinh sống, hàng trăm hộ dân chài Hà Phong từng nếm trải đủ mùi khó khăn, thiếu thốn với cuộc sống lênh đênh trên biển. Nhưng ngày đó, dẫu có thiếu tiền tiêu, những bữa cơm cũng không bao giờ hao hụt. Cá muốn ăn thì câu, mực muốn nhắm thì chịu khó soi từ đêm trước.
“Giờ dịch ập đến, người trẻ thất nghiệp kéo dài, người già như tôi ăn bám, cứ thế này không biết sẽ ra sao chú ơi!”, bà Miên buông tiếng thở dài, mắt vẫn đăm chiêu nhìn về phía biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.