"Tình một đêm" trong bài viết này không nói về kiểu hai người hoàn toàn xa lạ, đến với nhau chỉ để thỏa mãn. Các đương sự trong những câu chuyện sau đây đều có cảm xúc khi đến với nhau... nhưng biết quan hệ sẽ không đi đến đâu, không có tương lai nên cố gắng quên và không gặp lại đối tượng.
Đối với hầu hết những người từng trải qua "tình một đêm", cảm xúc bộc phát và bản năng là hai thứ tác động rất lớn đến quyết định của họ. Có thể, trong một lần, nhóm bạn đi bar với nhau, trong ánh sáng mờ ảo và tiếng nhạc dìu dặt, cộng thêm chút hơi men, lâng lâng "quên sự đời", hai người đang chông chênh vì những đổ vỡ riêng trước đó và đang lạc nẻo yêu đương đã cảm giác có gì đó "hay hay", mới mẻ từ người đối diện. Thế là "tình một đêm" xuất hiện.
Ảnh minh họa
Bạn N.N. - một cô gái có lối sống thoáng - cởi mở kể về "tình một đêm" với chàng kiến trúc sư. Anh nói chuyện có duyên, nhẹ nhàng và có nhiều tài lẻ. Cả hai đều có người yêu, nhưng cuộc tình đang trục trặc và bế tắc. Gặp nhau, họ "cảm" nhau ngay và luôn. Sau khi "tình một đêm" kết thúc, N.N. và chàng kiến trúc sư không gặp lại nhau nữa, nhưng dư vị trong họ là những cảm xúc nhẹ nhàng, xen lẫn nuối tiếc vì không thể cùng nhau tiếp tục hành trình.
"Nói mình nông nổi và dại khờ trong phút ấy thì có, nhưng hối hận thì không. Mỗi khoảng thời gian trôi đi trong cuộc sống, dù trong tích tắc, đều có giá trị riêng nên mình không bao giờ ân hận. Đó đều là những trải nghiệm đáng giá trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống mang nhiều dư vị và màu sắc sau này" - N.N. tâm sự.
Nhiều người khác "đánh liều" theo canh bạc cuộc đời ở khoảnh khắc "tình một đêm", rồi may mắn chuyển thành "tình vĩnh viễn". Chị L.A., quê ở Hà Nam, là ví dụ điển hình. Chị kể, trước đó, chị và anh Nam (chồng chị bây giờ) cũng cảm mến nhau, nhưng cả hai đều đắn đo với mối quan hệ này - sự đắn đo xuất phát từ rào cản của hai bên gia đình.
Bố mẹ anh Nam theo đạo còn gia đình chị thì không. Xét thấy, để từ bỏ nhiều thứ mà đến với nhau, họ phải nỗ lực và hy sinh rất nhiều nên chị và anh Nam đều cân nhắc. Rồi một lần, cả hai đến dự tiệc ở nhà người bạn, trong men say chếnh choáng, những cảm xúc lâu nay kìm nén vỡ òa thành "tình một đêm". Sau lần ấy, họ nhận ra không thể sống thiếu nhau.
Chị L.A. đã đi học đạo để có thể thích nghi với lề thói nhà chồng và họ đã có một kết cục viên mãn. Nghĩ lại lần "tình một đêm" đầy may rủi đó, chị L.A. vẫn thầm cảm ơn thứ cảm xúc bộc phát đã giúp chị và chồng thực sự tìm thấy nhau sau những lo lắng mơ hồ trước đó.
Ảnh minh họa
Khi hai phía đối tác đều độc thân, "tình một đêm" không chịu sự lên án của dư luận và pháp luật, nên thường để lại những dư vị êm ái và trải nghiệm thú vị cho cả hai phía. Song nếu thứ tình cảm phiêu lưu ấy rơi vào những đối tượng đang có gia đình yên ấm, sẽ mang lại sự dằn vặt lương tâm. Chị T.T. và anh H.A. cùng làm việc tại một công ty truyền thông. Họ đều đã có gia đình riêng và trước nay họ vẫn là bạn bè, đồng nghiệp tốt. Trong một lần công ty tổ chức dã ngoại, có tiệc đêm, T.T. và H.A. đều uống ngà ngà. Bên ánh lửa trại bập bùng, bóng trăng dài trên biển và tiếng sóng vỗ rì rào, họ đã để bản năng bộc phát.
Sau lần đó, anh H.A., có lẽ do đặc tính giới nên cứng rắn hơn và không mấy phân tâm. Anh cho đó chỉ là cảm xúc nhất thời, miễn anh vẫn quay về với gia đình và vẫn là một người chồng, người cha tốt là được. Chị T.T. thì luôn bị cảm giác phản bội chồng con dằn vặt, nhưng cảm giác mới mẻ và phiêu lưu với người không phải là chồng trong lần ấy khiến chị khát khao tìm lại đối tác để có được thứ cảm xúc thú vị ấy một lần nữa.
H.A. "tỉnh đòn" hơn, đã lẩn trốn sự tương tác với chị T.T. trong những cơ hội tiếp theo. Anh muốn xóa sạch dấu vết lẫn hậu quả. Còn T.T., do bị đối tác từ chối, cộng tâm lý so sánh cảm xúc tuyệt vời của tình một đêm với sự nhàm chán, khô khan của người chồng đầu gối tay ấp, dẫn đến tâm lý chán chồng. Chị bị trầm cảm, phải tìm đến bác sĩ tâm lý để trị liệu.
Giới trẻ có lý khi nói "có sức chơi có sức chịu". Nếu người trong cuộc chấp nhận để cảm xúc bản năng dẫn đắt và dấn thân vào cuộc phiêu lưu tình ái, họ phải chắc chắn và sẵn sàng hứng chịu những hệ lụy kéo theo. Hậu quả dễ gặp nhất là nguy cơ mắc bệnh xã hội. Nguy cơ lớn hơn là bị chồng hoặc vợ phát hiện, dẫn đến hạnh phúc gia đình bị hủy hoại. Cái giá nhẹ nhất dành cho típ người thích mạo hiểm chuyện tình cảm này là tâm trạng lo lắng, dằn vặt vì đã trót mắc phải sai lầm "chết người". Mọi cuộc phiêu lưu đều nguy hiểm. Không muốn đặt bản thân và gia đình vào nguy hiểm thì tốt nhất, đừng thử phiêu lưu.
* Tít bài đã được Dân Việt đặt lại
Minh Thuật (Phụ nữ Tp HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.