Lăng mộ Thương - Chu biến mất vì đội quân của... Tào Tháo

Thứ bảy, ngày 02/07/2022 16:32 PM (GMT+7)
Nguyên nhân đằng sau sự ‘mất tích’ của những ngôi mộ thời Thương – Chu vẫn luôn khiến những nhà khảo cổ phải đau đầu. Hóa ra, Tào Tháo và đội quân trộm mộ của mình có liên quan.
Bình luận 0

Trung Quốc là 1 đất nước có bề dày lịch sử lên đến hơn 5.000 năm. Hiện nay, ngành khảo cổ nước này vẫn không ngừng phát triển để khám phá những bí ẩn của lịch sử chưa được giải đáp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các nhà khảo cổ đã thông qua rất nhiều phương pháp như căn cứ vào tài liệu, những cuốn sách cổ; tìm kiếm những di vật lịch sử; và khai quật những ngôi mộ cổ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã thành công khai quật khá nhiều các ngôi mộ thuộc các triều đại khác nhau. Duy chỉ có những ngôi mộ thuộc thời kì nhà Thương - Chu lại rất khó phát hiện, thậm chí là không thể. Tại sao?

KHOẢNG CÁCH LỊCH SỬ QUÁ XA

Theo những lời đồn trong dân gian, vào thời Tây Chu (tồn tại khoảng thế kỉ XI TCN đến năm 771 TCN), trong 1 cuộc chiến tranh giành ngôi vị, vị hoàng đế triều đại trước thất bại nên đã đem theo những cuốn sách sử đi trốn và hủy bớt bằng cách đốt đi. Hậu quả là cho đến ngày nay, hậu thế không cách nào để nắm thêm thông tin về thời kì Tây Chu và những triều đại trước đó vì nguồn tài liệu cổ về giai đoạn này quá khan hiếm.

Đội quân của Tào Tháo là 1 trong những nguyên nhân khiến các lăng mộ Thương - Chu biến mất - Ảnh 1.

Tranh vẽ minh họa cuộc sống thời Thương - Chu (Ảnh: Baidu)

Mặc dù đã khai quật được một số tài liệu về văn giáp cốt (chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú thời nhà Thương), một số di vật được tạo tác bằng đồng hay những áng văn được viết trên thẻ tre nhưng số lượng được phát hiện lại quá ít. Do đó, chỉ dựa vào những sử liệu được phát hiện này, các nhà khảo cổ không thể xác minh chính xác những thông tin lịch sử về giai đoạn thời nhà Chu và những vương triều trước đó vì nguồn thông tin quá hạn chế và đứt đoạn.

THIẾT KẾ ĐẶC BIỆT CỦA NHỮNG LĂNG MỘ THƯƠNG - CHU

Vào thời kì Thương – Chu, các ngôi mộ hoàng gia không cố định 1 vị trí nhất định nào mà phải thường "di động" theo quyết định dời đô của những vương triều tiếp theo. Hoàng đế dời đô đến đâu thì mộ hoàng gia phải chuyển đến đấy. Do đó, vị trí mộ hoàng gia và kinh đô theo từng vương triều chắc chắn rất gần nhau. Từ lập luận này, nhiều suy đoán đưa ra rằng mộ phần hoàng tộc nhà Chu có lẽ ở quanh khu vực thành phố Tây An ngày nay.

Thế nhưng, tương truyền, các ngôi mộ hoàng gia nhà Chu đều có đặc điểm là: Không xây phong thổ (dạng đắp mả như mộ người bình thường), không dựng bia mộ. Do đó, việc xác minh mộ phần của các hoàng đế nhà Chu càng trở nên khó khăn. Cho đến hiện nay, chưa có bất kì phát hiện chính xác nào về những lăng mộ thuộc vương triều này.

Đội quân của Tào Tháo là 1 trong những nguyên nhân khiến các lăng mộ Thương - Chu biến mất - Ảnh 2.

Thiết kế các ngôi mộ Thương - Chu là 1 trong những nguyên nhân khiến các nhà khảo cổ khó phát hiện. (Ảnh: Baidu)

NẠN TRỘM MỘ TỪ CHÍNH HOÀNG GIA CÁC VƯƠNG TRIỀU

Trộm mộ là 1 vấn nạn trong xã hội Trung Quốc xưa. Mộ tặc cũng đến từ đủ các tầng lớp: Thổ phỉ, người nghèo hay thậm chí là hàng quý tộc, quan lại. Đặc biệt trong giai đoạn chiến loạn, tình trạng này lại càng xảy ra nghiêm trọng. Tại sao? Bởi thời xưa, công nghệ luyện kim còn rất hạn chế nên vào thời điểm đó, việc dùng đồng để tạo thành các loại vũ khí chiến đấu hoặc tiền xu đều thể hiện rất rõ sức mạnh quân sự và sự giàu có của 1 đất nước.

Chính vì sự trân quý của những kim loại thời xưa nên mỗi khi xảy ra chiến loạn, các bậc đế vương đều cho người đến khu vực lăng mộ của vương triều trước để thu thập những vật liệu này nhằm phục vụ việc sản xuất các loại vũ khí và tiền xu. Những vàng bạc, châu báu khác được phát hiện trong lăng mộ cũng bị cướp đi để bù đắp vào chi phí quân sự.

Có tin đồn là Tào Tháo (thời Tam Quốc) còn có riêng 1 'đội quân quốc gia' chuyên đi 'mò vàng' trong các lăng mộ của những triều đại trước. Lựa chọn hàng đầu của đội quân này lại là những ngôi mộ thuộc nhà Thương và nhà Chu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giới khảo cổ Trung Quốc ngày nay khó lòng tìm thấy dấu vết của những lăng mộ thời Thương – Chu. Những lăng mộ này sớm đã bị hủy vì nạn trộm mộ trong quá khứ.

Đội quân của Tào Tháo là 1 trong những nguyên nhân khiến các lăng mộ Thương - Chu biến mất - Ảnh 3.

Nạn trộm mộ trong quá khứ gây hậu quả nặng nề cho công cuộc khảo cổ ngày nay.(Ảnh: Baidu)

Cho đến giai đoạn nhà Thanh vừa bị lật đổ, xã hội Trung Quốc liên miên trong chiến loạn, rất nhiều lăng mộ thuộc các triều đại đã bị đào trộm. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi cổ vật và tài liệu lịch sử quan trọng có trong những ngôi mộ đó đều bị lấy cắp và hủy đi.

Năm 1928, từng phát hiện ra 1 số dấu vết được nghi ngờ thuộc về quần thể lăng mộ thuộc thời kì Đông Chu ở khu vực tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Nhiều loại vũ khí tinh xảo bằng đồng cùng ngọc quý cũng được tìm ra và khai quật lên.

Nhưng tiếc thay, những đồ vật quý giá trong những lăng mộ này đã bị các nước xâm lược Trung Quốc lúc bấy giờ lấy mất. Do đó, việc xác minh chủ nhân thật sự của quần thể lăng mộ này đã mất hết dấu tích vì những tài liệu lịch sử quan trọng bên trong đã không còn.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem