Làng mốt ngày nay: Cứ gợi cảm là “đại thắng”?

Thứ ba, ngày 31/03/2015 05:00 AM (GMT+7)
Những thiết kế xuyên thấu, cắt xẻ táo bạo "xâm lấn" và áp đảo cả thời trang cao cấp.
Bình luận 0

Nhìn lại những tuần lễ thời trang nổi tiếng nhất thế giới diễn ra gần đây, có một sự thật không thể phủ nhận rằng dù đi ngược lại với xu hướng hiện tại nhưng các nhà mốt thậm chí là các thương hiệu cao cấp vẫn tiếp tục “trình làng” vô vàn thiết kế, quảng cáo gợi cảm, bắt mắt. Hiện tượng sexy tràn lan này khiến giới mộ điệu xôn xao vì tranh luận: Nên chăng để yếu tố sexy “áp đảo” làng mốt?

img

Một thiết kế thuộc bộ sưu tập xuân hè 2015 của Balmain.

Kẻ “cầm đầu” trào lưu sexy: Công thần hay tội đồ?

Không phải tới tận ngày nay, yếu tố gợi cảm mới bước chân vào làng thời trang cao cấp mà trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, nó đã được nhen nhóm bởi những kẻ “cầm đầu” mà đại diện tiêu biểu là Gucci, dưới thời của NTK Tom Ford.

Trong chiến dịch quảng bá xuân hè 2004, giới mộ điệu đã phải ngã ngửa khi Tom Ford đưa những hình ảnh ẩn dụ nóng bỏng về phòng the lên các poster quảng cáo của Gucci. Chỉ có 4 tạp chí thời trang “dám” đăng tải poster này, trong đó có Vogue, nhưng bị cấm trên toàn thế giới ngay sau đó.

Điều đáng nói là Tom Ford, “dân chơi” xứ cờ hoa lại có vẻ là “công thần” chứ không hề đóng vai kẻ xấu. Bởi với định hướng gợi cảm mới này, Ford đã đưa Gucci từ một thương hiệu cao cấp đang đứng trên bờ vực thẳm năm 1994 leo dần lên vị trí đầu bảng trong làng mốt.

img

Tom Ford được coi như công thần vì đã vực dậy Gucci

Từ năm 1995 tới 1996, lượng tiêu thụ của Gucci tăng 90% và vào năm 2004, tập đoàn Gucci đã được định giá tới 10 tỷ đô la. Không ít người phải gật gù trước thành quả “ngọt ngào” này, và cũng phải công nhận: Yếu tố gợi cảm góp phần không nhỏ vào thành công của Gucci trên trường quốc tế.

Đây không phải lần đầu Ford và đầu óc kinh doanh nhạy bén của ông tìm tới yếu tố gợi cảm để đánh vào thị hiếu khách hàng. Trước đó, vào năm 2000, Ford cũng từng tung ra ý tưởng quảng cáo dòng nước hoa Opium cho Yves Saint Laurent. Trong đó, chân dài Sophie Dahl khỏa thân hoàn toàn với cách tạo dáng chông chênh giữa ranh giới gợi cảm và phản cảm.

Ngay khi được tung ra thị trường thế giới, poster quảng cáo này, tổ chức quản lý các hoạt động quảng bá của Anh đã phải hứng chịu tới gần 1.000 lời phàn nàn. Thế nhưng, bất chấp những luồng ý kiến trái chiều đó, Opium vẫn là một trong những mùi hương bán chạy nhất của YSL cho tới nay.

Không thể phủ nhận rằng thiết kế của Tom Ford cũng như Versace, Dolce & Gabbana là tuyệt hảo và xứng đáng với một vị trí cao trong làng thời trang quốc tế. Nhưng yếu tố sexy đã và đang không ngừng giúp họ cân bằng thu nhập và vượt xa so với nhiều hãng khác.

img

Một quảng cáo nước hoa còn tương đối "hiền" của Tom Ford

Váy áo gợi cảm ngày càng tràn lan trong làng mốt

Trong những mùa mốt trở lại đây, phi giới tính (nữ mặc đồ lấy cảm hứng từ trang phục nam giới và ngược lại) trở thành xu hướng của thời trang quốc tế. Thế nhưng, bất chấp nhiều hãng mốt để phụ nữ “kín cổng cao tường” trong những bộ suit đáng lẽ dành cho nam giới, không ít thương hiệu đẳng cấp vẫn tiếp tục cho ra mắt váy áo sexy, gợi cảm như Gucci, Balmain, Emilio Pucci, Versace…

Silvano Vangi, giám đốc của Luisa Via Roma – một tập đoàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu trả lời về hiện tượng này: “Xu hướng thay đổi mỗi mùa, nhưng những nữ khách hàng sexy thì ngày càng tăng lên theo từng mùa.”

img

img

2 thiết kế cắt xẻ táo bạo của Versace

Mario Ortelli, phó chủ tịch của một công ty tài chính nổi tiếng ở châu Âu cũng khẳng định: “Nhu cầu của khách hàng chỉ phụ thuộc một phần vào xu hướng mà thôi. Nếu xu hướng năm đó đẹp và cởi mở, nhu cầu của khách hàng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào xu hướng và ngược lại…”

Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, không chỉ các nhà thiết kế mà nhiều tập đoàn kinh doanh thời trang cao cấp đã cập nhật ngay xu hướng. Justin O’Shea, người đại diện của MyTheresa.com (một công ty thương mại điện tử) cho hay: “Sexy lúc nào cũng có vị trí và luôn có khách hàng. Chúng tôi lưu giữ những trang phục dạ hội gợi cảm ở mọi kho hàng. Emilio Pucci và Balmain là bán chạy nhất.” Ngoài ra, Givenchy và Dolce & Gabbana cũng bán tốt với những thiết kế gợi cảm của họ.

Nghiên cứu thị trường đã cho thấy các trang phục có yếu tố gợi cảm bán chạy hơn tại các thị trường: Nga, Mỹ, kế đến là Brazil, các nước châu Á… Những khách hàng giàu có thường mua những thiết kế này trong chuyến du lịch tới Paris, London, New York hay Milan.

Một sự thay đổi đáng kể không thể không nhắc tới là ngày nay, người ta có xu hướng quên đi thời điểm lựa chọn trang phục và dễ dàng chấp nhận việc mặc một bộ đồ dạ hội vào các sự kiện diễn ra ban ngày. Đây cũng là một yếu tố khiến lượng tiêu thụ mặt hàng này càng tăng.

img

Loạt thiết kế đỏ nóng bỏng của Balmain xuân hè 2015

“Đại thắng” vẫn gây tranh cãi không dứt

Dù không thể phủ nhận doanh số bán ra của các thiết kế sexy so với những bộ cánh có phom, dáng “khó nhằn” của làng thời trang cao cấp, câu hỏi mà giới mộ điệu đặt ra là: Nên chăng cổ súy cho việc dùng yếu tố sexy để bán hàng?

Xu hướng này lập tức nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều. Phe ủng hộ cho rằng chẳng có gì sai khi đưa thiết kế gợi cảm vào bộ sưu tập. Theo họ, người phụ nữ nào cũng muốn mình sexy trong mắt người khác giới và đó là một nhu cầu hoàn toàn đúng đắn mà thời trang nên đáp ứng.

Bên cạnh đó, việc bán các mặt hàng gợi cảm giúp cân bằng bài toán kinh tế mà các thương hiệu cao cấp phải đối mặt, tránh đi vào vết xe đổ của Christian Lacroix, NTK đại tài chỉ sáng tác những trang phục mang tính nghệ thuật cao mà khó áp dụng và không đi theo xu hướng chung của thị trường.

Phe phản đối lại nêu ra một tấm gương tiêu biểu khác cho việc không thỏa hiệp với sexy. Đó là Michael Kors. NTK lừng danh này đã làm nên một đế chế thời trang hùng mạnh chỉ bằng bàn tay và khối óc sáng tạo của mình. Người ta mua hàng của Kors, vì nó thực sự đẹp, mang lại cho phụ nữ sự tự tin, và một đẳng cấp nhất định.

img

Thiết kế của Michael Kors không đi theo xu thế gợi cảm nhưng vẫn hút khách.

img

Sexy "đủ dùng" thì nên cổ súy?

Kors thực sự hiểu thị trường nhưng không hề bị cuốn theo cái mà thị trường muốn. Và đó cũng là những gì mà giới mộ điệu thực sự mong muốn ở các “đầu tàu” của ngành công nghiệp thời trang.

Cho tới nay, câu hỏi này vẫn chưa hề có lời giải đáp. Có chăng, lời nói của những kẻ trung lập đứng giữa lại đáng để cân nhắc nhất: Cứ sexy, miễn là không dung tục…

Hạ Vũ (BusinessF, Forbes...)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem