Làng này ở Hà Tĩnh nhà nào cũng hái mỏi tay loại lá to dày này bán, xưa là này dùng tiến vua
Làng này ở Hà Tĩnh nhà nào cũng hái mỏi tay loại lá to dày đem bán, xưa lá này dùng tiến vua
Tập Thỏa
Thứ năm, ngày 09/01/2025 05:42 AM (GMT+7)
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con làng trồng "trầu tiến vua" ở xã Đỉnh Bàn, TP Hà Tĩnh lại nhộn nhịp, sôi động tất bật hái trầu, gói từng tấm lá để kịp nhập cho các thương lái. Nhờ công việc “đếm lá thu tiền” đã giúp bà con có cái tết ấm no, sung túc.
Làng Văn Sơn, trước đây thuộc xã Kiều Mộc (nay là xã Đỉnh Bàn, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), là một ngôi làng cổ thuộc vùng phên dậu của nước Đại Việt xưa. Làng nằm dưới chân núi Móc, nơi hội tụ những luồng khí đặc biệt, hòa quyện giữa khí thiên, khí địa và khí nhân, tạo nên một vùng đất thịnh vượng với dương khí mạnh mẽ. Tên gọi "Văn Sơn" mang đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần và đặc điểm của mảnh đất này.
Khoảng đầu thế kỷ 15, người con nổi bật của làng Văn Sơn là danh tướng Phạm Khắc Luận, một vị tướng tài ba, cùng Lê Khôi phò vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Sau chiến thắng, ông được vua Lê Lợi đổi tên thành Phạm Công Luận và phong làm quan triều đình. Ông được tôn vinh với nhiều danh hiệu như Thái úy Ninh Quốc Công và Dực Bảo Trung Hưng Đoan Túc Tôn Thần.
Nhà thờ và lăng mộ của ông đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012, ghi nhận công lao và truyền thống của dòng họ Phạm Công.
Theo truyền thuyết, sau khi dòng họ Phạm Khắc được vua Lê Lợi đổi thành họ Phạm Công, danh tướng Phạm Công Luận và con rể, Tiến sĩ Nguyễn Bá Niên, mang 25 miếng trầu cánh phượng, 25 miếng cau bổ và 5 lóng trầu ra kinh thành. Trên đường đi, kị mã hí khiến lính giữ trầu làm rơi, bất ngờ phát hiện trầu cau vẫn tươi nguyên, 5 lóng trầu còn nứt mầm, bén rễ.
Phạm Công Luận dâng trầu cau lên vua, khiến vua cảm động và khen ngợi hương vị đặc biệt, sự tươi ngon, chứa đựng tình cảm quê hương. Vua đặt tên loại trầu này là "trầu tiến vua," biểu tượng cho lòng trung thành và tình yêu quê hương của dòng họ Phạm Công.
Từ đó nghề trồng "trầu tiến vua" bắt đầu phát triển và trở thành biểu tượng của làng Văn Sơn. Những miếng trầu cánh phượng và cau ngũ phúc được vua Lê Lợi đánh giá cao, trở thành đặc sản của vùng đất này.
Năm 2016, nghề trồng "trầu tiến vua" của dòng họ Phạm Công được Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam". Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng nghề truyền thống đối với làng không của làng Văn Sơn.
Hiện nay, toàn xã Đỉnh Bàn có hơn 100 hộ dân trồng trầu không, tập trung chủ yếu tại thôn Văn Sơn. "Trầu tiến vua" có lá dày, thơm, và vị cay đặc trưng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
"Trầu tiến vua" đắt khách vào dịp Tết cổ truyền, giúp con cháu dòng họ Phạm Công khấm khá
Bận rộn chăm sóc vườn "trầu tiến vua", ông Phạm Công Nhứ (đời thứ 21 của dòng họ Phạm Công) cho biết: "Cây trầu lớn, trưởng thành tốt có thể thu hoạch lá quanh năm. Nghề trồng cây trầu không mấy vất vả, tuy nhiên cây trầu dễ sâu bệnh, sợ úng nước nên dễ bị chết. Trong vườn trầu khi xuất hiện có cây chết vì sâu bệnh thì lây lan rất nhanh.
Một điểm khá đặc biệt, người dân ươm cây trầu giống thôn Văn Sơn thì sinh trưởng rất tốt. Nhưng nếu đem giống trầu địa phương khác về làng nhân giống đều không mang lại hiệu quả, cây còi cọc rồi chết".
Hiện nay, gia đình ông Nhứ có 250 gốc "trầu tiến vua". Ngày thường gia đình ông hái trầu đem bán thu về số tiền khoảng 300.000 đồng/ngày. Mỗi dịp ngày rằm, lễ và nhất là ngày cận Tết thị trường tiêu thụ rất lớn nên gia đình ông hái trầu bán thu về tiền triệu mỗi ngày.
Lá "trầu tiến vua" đặc trưng với độ dày, mùi thơm, vị cay độc đáo trở thành lựa chọn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của nhiều gia đình. Nhờ bí quyết trồng trầu được lưu truyền qua nhiều thế hệ, người dân làng Văn Sơn có nguồn thu nhập đáng kể, đặc biệt vào mùa cao điểm. Những chiếc lá xanh mướt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là niềm tự hào về nghề truyền thống của quê hương.
Bà Phan Thị Lý (con dâu dòng họ Phạm Công), cho biết: "Việc chăm sóc trầu không quá phức tạp, nhưng cần chú ý kiêng kỵ như không để người lạ hoặc vật nuôi vào vườn. Nhờ những bí quyết gia truyền, cây trầu luôn phát triển tốt, góp phần giữ gìn danh tiếng "trầu tiến vua."
Mỗi dịp Tết cổ truyền, làng "trầu tiến vua" ở xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh lại nhộn nhịp và sôi động. Không khí mùa vụ tại đây tràn đầy sức sống khi người dân tất bật hái trầu, gói từng tấm lá để phục vụ nhu cầu tăng cao. Các thương lái từ khắp nơi đổ về làng, tạo nên cảnh mua bán tấp nập, rộn ràng.
Làng Văn Sơn và dòng họ Phạm Công không chỉ tự hào với lịch sử hào hùng mà còn với nghề trồng "trầu tiến vua" không mang đậm giá trị văn hóa và kinh tế. Những nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề truyền thống đã góp phần làm giàu đời sống của người dân nơi đây.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho biết: "Trồng trầu tiến vua là nghề truyền thống lâu đời tại địa phương, hiện nay có khoảng 100 hộ dân tại thôn Văn Sơn đang phát triển, mang lại thu nhập khá. Nghề trồng trầu tiến vua ít công chăm sóc, hiệu quả mang lại tốt nên nhiều bà con đã hưởng ứng trồng".
"Để phát triển nghề trồng trầu, năm 2021 chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác làng "trầu tiến vua" nhằm hỗ trợ bà con về khoa học kỹ thuật trồng và tiêu thụ. Những ngày lễ, Tết các hộ trồng trầu có thể bán được hàng triệu đồng, giúp người dân có Tết cổ truyền đầm ấm và đầy đủ", ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.