Lắng nghe doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế đất nước

P.V Thứ ba, ngày 03/09/2019 17:22 PM (GMT+7)
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” có ý nghĩa khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Bình luận 0

img

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Với mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, cho biết, cách đây 74 năm, ngay khi vừa dành được độc lập, dù lúc đó đất nước còn chưa thống nhất, đời sống nhân dân ta vô cùng khó khăn, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm còn vây quanh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường và khát vọng mãnh liệt về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đưa đất nước ta phát triển giàu mạnh.

Về doanh nghiệp, doanh nhân, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Bác đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Trong bức thư đề ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các “giới công thương Việt Nam”, Bác đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".

Tới nay, gần 74 năm đã trôi qua, nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này. 

Song trải qua 30 năm đổi mới, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa thực sự phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Với quan điểm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chính họ biết hơn ai họ cần gì, cơ chế, chính sách nào để họ có thể hoạt động tốt nhất và đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế đất nước.

“Cuộc vận động này khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII và góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Cuộc vận động này cũng tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến xác đáng của doanh nghiệp, doanh nhân để đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững”, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết.

Tại Lễ Phát động, Ban Tổ chức đã công bố Thể lệ Cuộc vận động, theo đó: các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

 Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019.

Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất: Từ tháng 1 đến tháng 3/2020.

Lễ Tôn vinh và Trao giải dự kiến: Tổ chức vào tháng 4/2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem