Làng vọng... phụ và những ông chồng mong Tết

Thứ ba, ngày 21/12/2010 11:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ đến Tết, họ mới gặp được người vợ đầu gối tay ấp của mình, và con cái mới được sum họp với cha mẹ. Những ông chồng ở thôn Bàu Láng, xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) luôn mong... Tết.
Bình luận 0

Thôn có 67 cặp vợ chồng, trong đó 50 ông chồng chịu cảnh xa vợ. Ngược với nhiều làng khác, kẻ phải xa quê bon chen mưu sinh lại là người vợ. Đêm đêm, kẻ nước mắt ngắn dài vì vất vả, vì nhớ người đi xa lại là những ông chồng.

Làng vọng… phụ

img
Anh Khánh chuẩn bị bữa cơm cho các con.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - cán bộ UBND xã Phổ Cường, cũng là dân Bàu Láng, có vợ đi làm ăn xa, kể: Làng tôi ra chợ chỉ thấy toàn đàn ông. Vợ đi làm ăn xa hết, mình không đi chợ thì ai đi. Được cái anh em cùng chung cảnh ngộ nên đùm bọc lẫn nhau, ai rảnh thì đi chợ giúp cho nhiều nhà…

Đàn ông làng này “đùm bọc” nhau mà sống đã nhiều năm nay. Phần lớn mấy cô vợ ở làng đi vào Sài Gòn làm ăn, nào osin, bán hàng, bán vé số... Có người đi đã 10 năm rồi, gánh nặng gia đình đặt hết lên vai chồng. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng anh Bùi May (40 tuổi) không quên được ngày đầu tiên vợ anh rời làng vào Sài Gòn bán vé số dạo. Nhìn vợ bước chân ra đi với dòng lệ chứa chan, lòng anh quặn thắt.

Trong thời gian đầu, vừa làm cha, vừa làm mẹ 2 đứa con, anh chịu không nổi. Nỗi buồn luôn bám lấy anh, nhất là đứa nhỏ vừa tròn tuổi cứ khóc suốt vì thiếu sữa và vắng hơi mẹ. Những khi con ốm, nhà không có một đồng để thuốc thang, anh chỉ biết ôm con vào lòng, ru khản giọng, nước mắt chảy dài… “Những lúc con khóc, tôi mới thấy... thương vợ, rồi đâm ra nhớ vợ, nhiều hôm cứ thẫn thờ, mong thư vợ hơn mọi thứ trên đời”- anh May chân thành kể lại.

Anh Huỳnh Đình Khánh có vợ là chị Lê Thị Phượng đang bán vé số ở TP.HCM. Cưới nhau hơn 18 năm thì gần nửa ngần ấy thời gian anh phải xa vợ. Lúc mới cưới vợ, anh không khi nào vô bếp, ngoài nấu mì gói thì anh chẳng biết nấu một món nào. Nhưng gần 10 năm xa vợ, nuôi con, bây giờ anh là đầu bếp có hạng. Thậm chí nhiều nhà trong làng có đám cưới còn mời anh đến nấu cỗ.

Anh tâm sự: “Tâm trạng cứ như con nít, cứ trông mau đến Tết để vợ về, gia đình sum họp. Có những cái Tết, vợ không về được, bước chân xuống bếp là nước mắt lại chảy dài”.

Quả ngọt

Những sự vất vả, chịu đựng của anh May đã được đền đáp. Sau mấy năm đi bán vé số, vợ anh đã dành dụm được một khoản tiền đủ để xây căn nhà cấp 4 khang trang cùng những vật dụng đắt tiền. Con đầu của anh chị hiện là sinh viên một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh, đứa thứ hai đã trưởng thành trong quân ngũ, đứa út là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Anh Khánh cũng vậy, vợ chồng đã xây được căn nhà cùng với những vật dụng đắt tiền trị giá hàng trăm triệu đồng. Hai con của anh chị cũng rất chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, ông Nguyễn Vàng-người vọng... phụ lâu nhất của làng, 17 năm ròng, đã xây được nhà cửa, nuôi 4 đứa con tốt nghiệp đại học.

Tết năm nay, vợ ông sẽ về luôn với ông, không còn phải vất vả xa quê, đi bán từng tấm vé số dạo nữa, các con ông đã có công ăn việc làm đủ sức phụng dưỡng cha mẹ. Ông Vàng thổ lộ: Làm cha, làm mẹ phải hy sinh cho con cái. Bây giờ chúng đã trưởng thành, vợ chồng tui rất vui. Tui phải cảm ơn vợ đã cáng đáng giúp tôi phần nặng nề nhất là làm ra tiền, bà đã chịu đựng vất vả 17 năm ròng xa quê bán vé số, cực nhọc không biết bao nhiêu, để tằn tiện gửi từng đồng về nuôi chồng, nuôi con nên người.

Cả làng chỉ có 23ha ruộng lúa 2 vụ/năm, đất lại bạc màu nên năng suất thấp. Thu nhập đầu người 350.000 đồng/tháng. Nếu người vợ không chịu khó vào Nam mưu sinh thì nhiều hộ trong làng sẽ là hộ nghèo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem