Các cuộc thảo luận tại hội nghị kéo dài hai ngày, với sự góp mặt của các lãnh đạo từ Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng như các nước khác, sẽ tập trung vào đề tài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị G20 lần này chủ yếu tập trung vào chủ đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định với các nước châu Á Thái Bình Dương về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Ông Validimir Putin được cho là sẽ không nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ các lãnh đạo phương Tây do các động thái hẫu thuẫn phe ly khai Ukraine.
Phát biểu trước thềm hội nghị G20, Tổng thống Nga nói các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu để đáp trả lại xung đột tại Ukraine không những làm tổn hại đến Nga mà còn đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Obama nói Mỹ tin rằng nền an ninh ở vùng châu Á Thái Bình Dương cần dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.
Thủ tướng Australia Tony Abbott trước đó cho biết lãnh đạo các nước sẽ thảo luận về nỗ lực tạo việc làm, giải quyết tình trạng trốn thuế và củng cố nền kinh tế toàn cầu.
Các lãnh đạo cũng được dự đoán sẽ đề cập đến kế hoạch đã được nhất trí hồi tháng 2 tại hội nghị các bộ trưởng khối G20 về việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 2% trong 5 năm tới.
Tuy nhiên khủng hoảng tại Ukraine và mối đe dọa từ Ebola được cho là sẽ nằm trong các chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị.
"Tất nhiên tôi muốn tập trung vào vấn đề tái cơ cấu kinh tế", ông Abbott nói trong diễn văn khai mạc phiên họp hôm thứ Bảy. "Tuy nhiên đây cũng là diễn đàn của quý vị, và quý vị có thể đề cập đến bất cứ đề tài nào theo ý muốn".
Ông Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Phóng viên BBC Linda Yueh tại Brisbane nói, dù kinh tế toàn cầu là chủ đề chính tại hội nghị, nghị trình cũng nhiều khả năng sẽ bao gồm các vấn đề mà lãnh đạo các nước đang quan tâm, như xung đột tại Ukraine, dịch Ebola hay thay đổi khí hậu.
Một số nước cũng muốn đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự, dù Australia vẫn kiên quyết né tránh vấn đề này .
Nhiều sự chú ý cũng đang đổ về phía ông Putin, người bị chỉ trích sau cáo buộc nói quân ly khai thân Nga đã bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Rất nhiều người Australia đã kêu gọi cấm ông dự hội nghị.
38 trong tổng số 298 người thiệt mạng sau khi chiếc máy bay bị bắn rơi trong vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát ở đông Ukaine là công dân Australia.
Phương Tây cho rằng quả tên lửa sử dụng trong vụ tấn công là do Nga cung cấp.
Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
(Theo BBC)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.