Gia tăng lao động “chui”
Tại phiên thảo luận về Di cư lao động diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào cuối tuần qua, bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH) đã trình bày xu hướng di cư kênh chính thức và không chính thức (chui) của lao động Việt Nam hiện nay.
Bà Dung cho biết, dù thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo kênh chính thức tăng nhưng cùng với đó tỷ lệ lao động đi “chui” cũng tăng theo đáng kể.
“Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua các hình thức "tự đi" hoặc "không chính thức" cũng ngày càng gia tăng. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cách "tự đi" thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của các Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiếp nhận lao động và họ cũng không thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ” – bà Dung nói.
Lao động Việt Nam làm việc “chui” tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Minh Nguyệt
Qua khảo sát ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy, nước tiếp nhận phổ biến đối với người lao động là Thái Lan, trong đó có 2.184 lao động nữ và 3.788 lao động nam. Đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, thị trường tiếp nhận phổ biến là Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Nữ lao động thường làm những công việc như giúp việc gia đình (25%), dệt may (12%), sản xuất chế tạo (12%).
Đối với lao động nam, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 15%, Malaysia 12% và Hàn Quốc 12% trong tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài, là các thị trường tiếp nhận phổ biến. Ngành nghề công việc thường được người lao động thực hiện ở nước ngoài gồm xây dựng, thợ điện...
Người lao động còn làm việc tại các nước châu Phi (phổ biến là Angola với 1.337 lao động) và một số quốc gia châu Âu (phổ biến nhất là Đức với 368 lao động). Khu vực châu Âu hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang qua các đường dây đưa người trái phép.
Đi dễ - về khó
“Để khắc phục tình trạng dịch chuyển lao động theo đường không chính thức này, trước hết cần tăng cường các khung thể chế, sửa đổi luật; xây dựng thỏa thuận song phương chính thức, các bản ghi nhớ với các nước tiếp nhận lao động. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế hỗ trợ tại chỗ phù hợp với lao động”.
Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH)
|
Lao động Tạ Hữu Sơn (37 tuổi, Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa từ Malaysia trở về nước sau 3 năm đi lao động “chui”. Khi được hỏi về công việc trước đó, anh Sơn chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Cũng may mà về được, ở lại làm lương thì thấp suốt ngày bị cảnh sát Malaysia truy quét. Thậm chí ốm cũng không dám đi khám vì sợ lộ thân phận”.
Anh Sơn nhớ lại, năm 2013 vợ chồng anh nghe theo lời rủ rê của một “cò” lao động, bỏ lại con cho ông bà nội nuôi để đi XKLĐ “chui” ở Malaysia với lời hứa thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh đã bỏ ra 40 triệu đồng, trả phí môi giới và tự làm visa đi theo đường du lịch, hết 1 tháng thì bỏ trốn rồi ở lại bên đó làm việc.
“Lúc đi, chúng tôi được đưa đi theo đường bộ, vào Nghệ An, đi qua Lào, qua Thái Lan, rồi qua Malaysia. Lúc vừa sang được giới thiệu vào làm bưng bê trong một nhà hàng. Công việc vất vả lại không biết tiếng nên thu nhập thấp, thường xuyên bị chủ mắng và trừ lương. 2 năm sau lương của vợ chồng tôi mới tăng được một chút (khoảng 8 triệu đồng/người/tháng)” – anh Sơn kể.
Do đi làm việc “chui” nên họ thường xuyên bị cảnh sát truy quét. Hầu như lần nào cũng phải chi tiền “bảo kê”. Có ít đưa ít, có nhiều đưa nhiều, nhưng nếu không đưa sẽ bị đánh đập, khám xét rồi tịch thu hết.
Cũng theo anh Sơn, lao động Việt Nam sang Kuala Lumpur (Malaysia) làm việc rất nhiều. Đa phần là đi “chui”. “Lúc đầu chưa sang thì mong ước được sang để kiếm tiền về xây sửa nhà cửa. Sang rồi mới thực sự vỡ mộng. Phải chờ tới đợt “ân xá” của chính quyền Malaysia vợ chồng tôi mới dám về nước, vì được hỗ trợ di chuyển với chi phí thấp” – anh Sơn than vãn.
Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), các hình thức đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng và phức tạp. Khi số lượng người lao động ra nước ngoài làm việc tăng cũng như số lượng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tăng lên thì việc lao động đi XKLĐ “chui” cũng tăng nhanh.
Ông Hương cho biết, năm 2016, đã có 126.296 lao động (mục tiêu chỉ 100.000 lao động) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiện tại có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia.
“Hiện nay, việc người lao động đi làm việc theo các kênh không chính thống đồng nghĩa với việc họ có thể gặp bất cứ rủi ro nào về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc mà không được cơ quan chức năng bảo vệ. Có thể kể tới một số thị trường có tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc “chui” khá lớn là Thái Lan, Lào, Malaysia, Hàn Quốc…” – ông Hương nói.
Hiện trong các bộ luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ số lao động này để có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ được bảo vệ khi làm việc ở ngước ngoài cũng như khi về nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.