Nhà báo – giỏi công nghệ số
Nhà báo Nguyễn Cao Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXHNV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, báo chí hiện địa đang có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Nền báo chí hiện đại đang chuyển đổi từ việc sản xuất tin bài truyền thống sang các bản tin đa phương tiện, đa nền tảng nên việc nhà báo chỉ chú trọng đến khâu chất lượng bản tin đã không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà báo còn phải là những kỹ sư đồ họa, chuyên viên dựng hình ảnh, hay là một phát thanh viên. Một nhà báo giỏi phải là một nhà báo nắm vững những kiến thức về phần mềm nhập tin bài, biết chia sẻ hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội.
Công việc làm báo cần nhiều kỹ năng hơn để thích ứng với cách mạng 4.0. Ảnh: I.T
Ông Cường cũng cho biết cách mạng 4.0 đã khiến kỹ năng làm báo của từng cá nhân thay đổi. Bây giờ người ta sử dụng công cụ sản xuất nội dung đa dạng hơn nhiều. Giờ đây, báo chí không đơn thuần chỉ là những bản tin trên báo giấy, các bản tin còn được sản xuất bằng điện thoại, trên mạng xã hội, trên YouTube. Một số trang báo đã ứng dụng công nghệ đọc báo thông minh, cho phép các độc giả khiếm thị có thể đọc báo bằng ứng dụng đọc báo thông minh qua giọng nói.
Theo ông Cường, lao động nghề báo sản xuất nội dung tới phát hành cũng đã thay đổi. Các tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, ví dụ như máy tính, đã có thể tạo ra những con robot biết viết bài, phân tích xu hướng tiêu dùng, xu hướng tài chính...
“Tất cả những điều đó đòi hỏi nhà báo cần có nhiều kỹ năng hơn. Điều này khiến nhà báo phải nâng cao trình độ, không ngừng học hỏi. Những lao động đơn giản như viết tin, tường thuật thì sẽ bị máy móc thay thế. Ngược lại, phóng viên, nhà báo sẽ phải làm những công việc chuyên môn cao hơn như viết những bản tin chất lượng hơn. Thay vì viết tin thì sẽ cần viết nhiều bài viết phóng sự xã hội, các loạt bài điều tra...” – ông Cường nói.
Xu hướng giảm phóng viên?
Trước sức ép về cách mạng 4.0, nhiều ngành công nghiệp, nghề sử dụng nhiều lao động cũng đã bị cắt giảm lao động.
Ông Phạm Minh Huân – chuyên gia lao động cho rằng: Trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngành kinh tế thì ngành báo cũng không ngoại lệ. Báo chí là công việc đặc thù, sản phẩm được làm ra từ khả năng phân tích của nhà báo. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm báo chí đều cần sự thâm nhập, phân tích, điều tra sâu của phóng viên báo chí. Nghiên cứu báo chí hiện đại cho thấy, nhờ sự phát triển vô cùng nhanh chóng của công nghệ mà giờ đây chúng ta có nhiều sản phẩm thông minh, giúp giảm sức lao động của các nhà báo. Nhiều công đoạn trong quá trình tác nghiệp được hệ các thiết bị, phần mềm “trí tuệ nhân tạo” tự động hỗ trợ, không chỉ giảm gánh nặng cho con người mà còn tăng mức độ chuẩn xác của nội dung, đồng thời nâng cao hiệu suất công việc.
TS Đinh Thúy Hằng- Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, các phần mềm biên tập và phát hiện đạo báo xuất sắc như bắt đầu được nhiều cơ quan báo chí sử dụng, thậm chí một số hãng thông tấn lớn sử dụng robot để viết các bản tin thị trường thay con người. Tất nhiên, vai trò của các nhà báo “bằng xương bằng thịt” là không thể thay thế, nhưng điều không phải bàn cãi là trí tuệ nhân tạo có khả năng giúp một tờ báo tối giản nhân lực hoặc giúp cho quy trình sản xuất trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của phóng viên, nhà báo trong cuộc cách mạng số. Quan trọng là chúng ta phải nhận diện đúng vai trò của phóng viên nhà báo trong cuộc cách mạng để phát huy được thế mạnh của họ. Muốn phát huy được các khả năng, các phóng viên nhà báo cần phải tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ làm báo hiện đại. Chỉ như vậy thì họ mới phát triển và không bị máy móc thay thế” – bà Hằng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.