Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện công nhân Công đoàn cho rằng một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng thất nghiệp của lao động nữ ở các khu công nghiệp. “Một con số đáng lo ngại là 80% số người mất việc là lao động nữ làm trong ngành dệt may, ở độ tuổi trên 35. Thậm chí có những trường hợp lao động nữ gắn bó với công việc hơn 10 năm nhưng lại bị cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt” – ông Thọ nói.
Nghiên cứu về việc làm của lao động nữ do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng thất nghiệp ở lao động nữ từ sau tuổi 35 đến 45 tuổi là: Lương thấp không đủ sống (59,6%); Áp lực công việc (39,1%); bị cho thôi việc, bị đuổi việc (22,6%)… Nghiên cứu này cũng cho thấy: Tuổi càng tăng thì khả năng mất việc làm càng lớn.
80% phụ nữ ở tuổi trên 35 trong các khu công nghiệp đang bị đào thải hoặc tự bỏ việc
(Ảnh IT).
Ông Nguyễn Toàn Phong – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nhận định, có tới trên 50% số người mất việc làm là nữ. Khi đi xin việc trở lại thì nữ giới tuổi 18 đến 35 có cơ hội tìm việc dễ hơn, còn lao động nữ trên 35 tuổi thì khó khăn hơn.
Ông Phong cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lao động nữ tiếp cận với thị trường lao động. Đặc biệt là lao động nữ yếu thế, lao động nữ ở nông thôn, là người khuyết tật.
Đề cập tới vấn đề chính sách ưu đãi cho lao động nữ, bà Nguyễn Thị Hồng – chuyên gia lao động cho rằng, mặc dù chính sách dành cho lao động nữ khá là đồng bộ, được đề cập cụ thể trong Luật Lao động, nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
“Mặc dù các chính sách này được đề cập cụ thể như: chính sách hỗ trợ nuôi con nhỏ, chế độ thai sản, ưu đãi nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới… nhưng do đặc thù là lao động yếu thế. Yếu cả về nghĩa đen và nghĩa bóng (sức khỏe yếu hơn nam giới, phải làm việc nhiều hơn nam giới bao gồm cả công việc ở công ty và công việc gia đình) vì vậy họ dễ bị tổn thương, không chịu được áp lực phải nghỉ việc hoặc bị đuổi việc do không đáp ứng được nhu cầu của công việc. Vì vậy, con số 80% phụ nữ trên 35 tuổi bị đuổi việc hoặc tự nghỉ việc cũng chẳng có gì là lạ” – bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, chính sách lao động cần phải có những điều khoản khuyến khích lao động nữ, tận dụng nguồn lực của họ. Đồng thời về mặt xã hội, gia đình cũng phải tạo điều kiện cho lao động nữ nghỉ ngơi để họ có sức lực lao động tốt hơn, không thể để một nửa thế giới nặng cả việc nước lẫn việc nhà một mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.