Lao động Trung Quốc bát nháo, khó trục xuất

Thứ năm, ngày 15/09/2011 13:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phần lớn lao động Trung Quốc thiếu các thủ tục hồ sơ cần thiết như lý lịch tư pháp, chứng nhận trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có hợp pháp hoá lãnh sự…
Bình luận 0

Mặc dù Cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đã gia hạn chót đến ngày 5.9, số lao động Trung Quốc (LĐTQ) tại Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đăk RLấp) phải có giấy phép lao động thế nhưng đến thời điểm hiện tại (14.9) vẫn còn gần 200 LĐTQ tại đây vẫn chưa được cấp phép.

Kỹ sư... uốn thép, ăn ở tạm bợ

Mặc dù được đại diện của Công ty TNHH Sơn Tây (nhà phụ của CHALIECO) giới thiệu là công nhân kỹ thuật cao nhưng anh Dương Vĩnh Minh, một công nhân đến từ tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) lại chỉ có mỗi nhiệm vụ là... uốn thép và đổ bê tông suốt gần 1 năm qua tại Dự án Alumin Nhân Cơ.

img
Một nhóm lao động Trung Quốc tại Dự án Alumin Nhân Cơ.

“Vất vả lắm. Uốn thép còn đỡ chứ đổ bê tông thì mệt lắm. Mỗi tháng, tôi được trả 9 triệu đồng, nếu không ốm đau” - anh Minh nói tiếng Việt giọng lơ lớ.

Chỗ anh Minh đang làm cũng có khoảng 10 “công nhân kỹ thuật cao” đang uốn thép, cưa những tấm ván ép cùng với các lao động thời vụ của Việt Nam. Cũng như anh Minh, hầu hết đều cho biết họ chỉ là những lao động phổ thông ở vùng nông thôn bên Trung Quốc sang đây làm việc, chứ chưa được đào tạo qua trường lớp nào, chỉ làm việc theo kinh nghiệm.

Dẫu vậy nhưng LĐTQ ở đây lại được trả lương gần gấp đôi so với công nhân Việt Nam. Chị Trần Thị Thơ, công nhân Việt Nam cho biết: “Tôi được trả lương theo ngày, nếu làm đủ 8 tiếng thì được trả 170 nghìn đồng, một tháng khoảng trên 5 triệu đồng. Công việc của công nhân Việt Nam và Trung Quốc đều giống nhau”.

Cũng theo chị Thơ, công việc ở đây khá đơn giản chủ yếu là uốn thép, cắt ván, vận chuyển gỗ làm giàn giáo, lấp đất… nên ai cũng có thể làm được.

Về chuyện ăn ở, anh A Bỉnh, một LĐTQ khác cho biết: “Hết giờ làm việc, chúng tôi về ăn, ở nhà tập thể. Bếp ăn nấu gì thì ăn đó, cốt là no bụng để ngày mai còn sức để làm”.

Công ty TNHH Sơn Tây có 2 khu nhà dành riêng cho công nhân và cán bộ kỹ sư riêng biệt. Khu nhà dành riêng cho công nhân Trung Quốc và Việt Nam ở chung gồm nhiều phòng nhưng rất bừa bộn. Mỗi phòng có diện tích chừng hơn 10m2, nhưng có tới 12 người chen chúc nhau trên 4 chiếc giường 3 tầng.

Các phòng được ngăn lại với nhau bằng những tấm ván đóng lại, nền nhà bằng đất trông rất luộm thuộm, nhếch nhác và khá nóng vì lợp bằng các loại tôn mỏng; các giường ngủ cho công nhân của Công ty TNHH Sơn Đông lại chỉ được kê lên bằng những tấm ván và các viên gạch tạm bợ.

Muốn trục xuất phải chờ

Trước đây hơn 1 tháng, các nhà thầu Trung Quốc tại Dự án xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ cho rằng “không hiểu luật Việt Nam” nên chưa làm đầy đủ các thủ tục cấp phép cho lao động.

Cơ quan chức năng đã gia hạn đến ngày 5.9 để hoàn tất việc cấp phép; đồng thời phối hợp với lãnh đạo Công ty cổ phần Alumin hướng dẫn, tuyên truyền cho họ. Nhưng theo số liệu ngày 14.9 của Ban quản lý dự án xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ, hiện vẫn còn đến 184/326 LĐTQ chưa được cấp giấy phép.

Ngày 1.9, UBND tỉnh Đăk Nông có thông báo yêu cầu các ngành chức năng trục xuất một số trường hợp LĐTQ vi phạm để cảnh cáo. Song việc làm này bị “vướng” Nghị định số 46/2011/NĐ-CP bởi theo quy định sau 6 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực (tức từ ngày 1.8.2011), mới tiến hành trục xuất nếu có vi phạm. Như vậy, thì phải đến tháng 2.2012, việc trục xuất số lao động vi phạm tại Dự án Alumin Nhân Cơ mới có thể triển khai được.

Trong khi đó, tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, hệ thống hàng rào bao quanh khu vực công trường chưa xây dựng, lực lượng bảo vệ lại mỏng nên việc kiểm soát người và phương tiện ra, vào công trường là khá dễ dàng. Vì vậy, LĐTQ trong hoặc ngoài giờ làm việc có thể ra các cụm dân cư địa phương bên ngoài khá tự do và rất khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Đức Nguyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông cho biết, phần lớn LĐTQ thiếu các thủ tục hồ sơ cần thiết như lý lịch tư pháp, chứng nhận trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có hợp pháp hoá lãnh sự… Trong đó các cơ quan Nhà nước có liên quan còn lơ là trong việc nắm bắt, nhắc nhở, xử phạt, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động nước ngoài tại Dự án Nhà máy Alumin thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Kim Tuấn - chuyên viên phụ trách LĐ nước ngoài Ban quản lý Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thì cần phải mất một thời gian nữa mới hoàn thành việc cấp phép cho LĐTQ. Bởi còn một số thủ tục “lòng vòng” như xin được cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số lao động có đủ điều kiện, sau đó mới chuyển sang Công an tỉnh Đăk Nông để xác nhận có hoặc không có tiền án để chuyển hồ sơ ra Bộ Công an mới cấp phép được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem