Lao động tự do khó tiếp cận bảo hiểm

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 21/09/2015 06:34 AM (GMT+7)
Cả nước có tới 36 triệu lao động (LĐ) làm việc ở khu vực phi chính thức, nhưng đa phần họ đều nằm ngoài diện bao phủ của các chính sách an sinh xã hội.
Bình luận 0

Làm nhiều, hưởng ít

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho biết: Theo thống kê, tại Việt Nam, LĐ phi chính thức chiếm tới 63% trong tổng số lực lượng LĐ; đóng góp tới 20% GDP của quốc gia, chiếm hơn 70% số giờ LĐ của quốc gia.

imgLao động làm nghề trong lĩnh vực xây dựng. (Ảnh chụp tại Thường Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: RM.N

LĐ trong khu vực phi chính thức có sự đóng góp lớn như vậy, nhưng theo thống kê của Viện Khoa học - lao động - xã hội, và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện nay mới chỉ có hơn 213.000 LĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,65% tổng số LĐ không làm công ăn lương. Trong đó, hầu hết là những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ thời gian đóng BHXH hưởng trợ cấp hưu trí.

Thực tế, thu nhập của đa số người LĐ khu vực phi chính thức ở mức thấp, phải ưu tiên trang trải cho các khoản cơm - áo - gạo tiền nên chưa quan tâm đến BHXH. “Theo khảo sát, có tới 91,45% số người bán hàng rong chưa biết đến BHXH. Đó là chưa kể đặc thù của LĐ phi chính thức là không ổn định, theo mùa vụ và nhận thức về hưu trí, phòng ngừa rủi ro của họ còn hạn chế” – PGS-TS Lê Thị Hoài Thu – Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển Việt Nam  dẫn chứng.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) thì cho rằng vấn đề LĐ phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện thấp là do có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, sự quan tâm và hiểu biết của LĐ về BHXH còn rất hạn hẹp, công tác truyền thông tư vấn còn hạn chế.

Cần minh bạch mức đóng - hưởng

Mặc dù rất mong muốn sau này có lương hưu, nhưng khi đề cập tới vấn đề tham gia BHXH, anh Phạm Văn Trường (làm nghề bốc vác tại Long Biên, Hà Nội) lại ngần ngại. Anh Trường chia sẻ: “Làm nghề này vất vả, thu nhập bấp bênh nên dù rất lo cho tương lai nhưng chẳng ai có tích cóp cả. Đây cũng là lần đầu tiên anh được nghe tới đóng BHXH tự nguyện để sau này về già nhận lương hưu, nghe vậy thôi nhưng chắc mình cũng không có điều kiện để tham gia”.

"Năm 2014 Việt Nam  có 48% người già không có lương hưu (gần 5 triệu người). Trong tương lai con số này chỉ tăng chứ không giảm và chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 50% (vào năm 2020) như dự báo”. 

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cũng cho rằng cần phải minh bạch, rõ ràng trong việc đóng, hưởng, tạo niềm tin của người LĐ tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời cũng cần tăng cường truyền thông để LĐ hiểu đúng, hiểu đủ về tính nhân văn của BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho rằng: “Hiện nay nhiều hãng bảo hiểm như Bảo hiểm nhân thọ Manulife, Bảo Việt… đã tiếp cận được tới từng người mua. Nhiều LĐ cho biết, tham gia ở ngoài dễ dàng hơn nhiều, họ đưa bảng tính, chỉ cho người LĐ đóng thế này, hưởng thế này và các chế độ được nhận sau này sẽ thế này. Tất cả mọi thứ đều rõ ràng minh bạch, trong khi đó khi tham gia BHXH tất cả mọi thứ lại khó khăn, mờ mịt” – bà Giang nêu ý kiến.

Theo TS Nguyễn Quang A, cần phải học tập các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân. Vì sao họ tiếp cận được, vì họ xây dựng một cơ chế hoạt động minh bạch, rõ ràng. “Khoản đầu tư của BHXH, tiền nộp BHXH là tiền người dân với tư cách người dân, là người chủ, đại diện cho người dân đầu tư thì phải biết. Muốn khuyến khích họ tham gia thì phải để họ thấy lợi ích của mình, còn thông tin tù mù thì chắc chắn họ không tham gia” – TS A nói. 

“Về lâu dài cơ quan nhà nước cần có lộ trình (thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn) hỗ trợ người LĐ phi chính thức, từ đó tăng quy mô” – bà Thu khuyến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem