Lãi tiền triệu một ngày
Là lao động tự do, nhiều năm trước chị Lưu Thị Mai (Quảng Ninh) về Hà Nội chuyên thu mua phế liệu. Lúc rảnh rỗi chị nhận bốc vác, làm thêm nghề giúp việc theo giờ. Thế nhưng công việc quá vất vả, thu nhập cũng chỉ mức trung bình, khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Gần 1 năm nay chị Mai được cô em gái giới thiệu cho cách bán hàng trên mạng chỉ với chiếc điện thoại thông minh, nên chị đã bàn với chồng mạnh dạn thử kinh doanh. Do quê chồng có vựa nuôi hải sản nên chị nhập hàu, tôm, tu hài... lên bán. Nhờ biết tận dụng mạng xã hội, mà mặt hàng bán chạy hơn rất nhiều. Có ngày vợ chồng chị bán được tới 1 tạ hàu, trừ chi phí, vợ chồng chị bỏ túi 1-2 triệu đồng.
Cũng như chị Mai, chị Đỗ Thị Thi, 37 tuổi quê Thanh Hóa - thành viên CLB nữ lao động nhập cư phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gần 10 năm nay chị kinh doanh mặt hàng hoa quả tại nhà. Khi được tham gia lớp tập huấn “Kỹ năng marketing giới thiệu sản phẩm và tăng giá trị sản phẩm” do dự án dự án Nâng cao chất lượng cuộc sống nữ lao động di cư góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020 tổ chức chị Thi mới “vỡ ra” nhiều tính năng của công nghệ quảng cáo cũng như ưu nhược điểm của việc bán hàng qua mạng.
Nữ lao động di cư bán hàng rong tại Hà Nội. (ảnh: Internet)
Sau tham gia khóa tập huấn này, chị biết thêm kênh bán hàng trên mạng. Chị biết đăng những nội dung, viết quảng cáo sản phẩm của mình bắt mắt, phù hợp đồng thời cũng hiểu thêm việc lựa chọn được đối tượng khách hàng mục tiêu, cách quản lý thông tin… nhằm bán hàng hiệu quả cao. Hiện tại, chị đã có 10 cửa hàng để đổ sỉ, và hàng trăm khách hàng quen. Thu nhập hàng tháng của chị hơn 10 triệu đồng/tháng...
Giúp nhiều nữ lao động tiếp cận dự án
Vừa qua, tại hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện dự án Nâng cao chất lượng cuộc sống nữ lao động di cư góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức cũng đã phân tích những thành công và những thách thức cần thực hiện.
Có 70% nữ lao động di cư tự do tham gia Dự án nâng cao chất lượng cuộc sống nữ lao động di cư góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có dự án sinh kế, làm tăng thu nhập khoảng 25%. Ngoài ra, các mô hình hỗ trợ tín dụng, tiết kiệm tự quản đã thu hút được 22 thành viên tham gia với tổng nguồn quỹ gần 60 triệu đồng”.
Bà Lê Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng |
Bà Lê Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng cho biết, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động nữ di cư góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội đã góp phần tăng thu nhập. Cụ thể 70% nữ lao động di cư tự do tham gia dự án đã có dự án phát triển sinh kế, làm tăng thu nhập khoảng 25%. Ngoài ra, các mô hình hỗ trợ tín dụng, tiết kiệm tự quản đã thu hút được 22 thành viên tham gia với tổng nguồn quỹ gần 60 triệu đồng.
“Đặc biệt, ngoài hỗ trợ lao động tiếp cận với phương án sinh kế mới, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, sản xuất, dự án còn tổ chức được 20 buổi sinh hoạt tại 3 CLB nữ lao động nhập cư của quận Hoàng Mai với gần 800 lượt người tham dự. Đặc biệt, Cuối năm 2018 dự án cũng tổ chức “Đối thoại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với đại diện Hội Phụ nữ với nữ lao động nhập cư về thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn quận Hoàng Mai” đã được các đồng chí lãnh đạo trả lời, trao đổi, hướng dẫn cụ thể, được chị em đồng tình và tin tưởng - bà Thủy nói.
Từ những thành công trong việc hỗ trợ lao động nữ di cư tự do tìm kiếm việc làm, hướng tới đảm bảo chế độ an sinh – xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho rằng thời gian tới cần tiếp tục tư vấn hỗ trợ chị em tiếp cận, mua BHYT, BHXH tự nguyện nhiều hơn nữa nhằm giúp cho nữ lao động nhập cư có cuộc sống ổn định cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.