Lão nông “điên cuồng” với vật

Thứ bảy, ngày 23/04/2011 14:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi đến nhà, chưa kịp pha nước, làm quen gì, ông Sản đã “ngắm nghía” rất kỹ rồi chỉ tôi và “phán”: “Cậu khoang khoáy xấu quá, không có phẩm chất trở thành đô vật. Còn cậu kia (chỉ phóng viên ảnh đi cùng tôi) cao, khoang khoáy đẹp, theo tôi mà học vật sau này sẽ khá”.
Bình luận 0

Rồi chợt nhận ra là mình “nhiệt” quá, ông Sản cười xoà: “Ấy chết, xin lỗi các nhà báo. Tôi thích nhìn khoang khoáy, mãi nó thành quen mất rồi”.

img
Ông Dương Văn Sản làm trọng tài một trận đấu tại sới vật ở mảnh vườn nhà.

Chồng mê, vợ cũng mê

Thấy chúng tôi vẫn ngơ ngơ, ngác ngác, ông Sản giải thích: “Khoang khoáy là 2 đầu dầm ở vai và phía trước chân có 2 khoáy, phía sau cũng có 2 khoáy nữa. Anh nào đạt được “tứ khoáy đóng trụ” thì hết sảy, rất hợp với môn vật”.

Sống ở trên đời, ai cũng có đam mê riêng của mình. Với lão nông Dương Văn Sản ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đam mê của ông là đấu vật. Hơn 60 năm qua, tình yêu của ông dành cho môn vật chưa bao giờ nhạt phai.

Chính vì yêu đấu vật quá nên đi đâu, gặp ai, ông Sản cũng thích xem khoang khoáy. Không những vậy, thấy anh nào phù hợp, bất kể quen hay không, ông Sản cũng “gạ” đi tập đấu vật. Mấy chục năm nay, mảnh sân nhỏ ở nhà ông đã trở thành sới vật.

Ông Sản dạy vật mà chẳng bao giờ thu một đồng học phí. “Quan trọng là đam mê với môn vật chứ tiền nong tôi chẳng quan tâm. Được sống đúng với đam mê đã là hạnh phúc lắm rồi” - ông nói. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Quyết - vợ ông Sản thì cười xoà: “Mấy chục năm trời lúc nào lão ấy cũng vật. Cái xe đạp cũ rích lão đi đến mòn cả mấy chục đôi lốp để tìm đô vật, nhưng ai đưa tiền thì lão gạt phắt. Nói thế chứ lão mê đấu vật quá khiến tôi cũng… mê theo”.

Ở nhà, chuồng trâu, chuồng lợn bị ông Sản “giải tán” hết để lấy chỗ đổ trấu, trải bạt làm sới vật. “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, câu tục ngữ ấy cấm có sai. Ông Sản mê vật, lắm lúc bỏ bê việc nhà, nhưng vợ ông chẳng một lời phàn nàn, nhiều khi còn đon đả làm cơm mời các học trò của chồng.

“Nhiệt” thế nên về Tân Yên, hỏi nhà ông Sản, dường như ai cũng thuộc vanh vách, thậm chí có anh nông dân vừa bước từ ruộng lên cứ “đòi” được đưa chúng tôi đến tận nhà ông Sản. Môn thể thao nào cũng thế, cứ có những người “lẩm cẩm” như ông Sản thì tuyệt.

Thắng sướng, thua cũng sướng

Xã Ngọc Châu quê nhà ông Sản ngày xưa gọi là vùng Yên Thế hạ. Thời đó, lúc còn là một chú nhóc, ông Sản đã mê vật như điếu đổ rồi. Cứ sểnh ra là chú mò đến sới vật. Hồi ấy, trẻ con mà muốn đấu vật phải được người lớn đồng ý và sắp xếp cặp đấu cho cân sức, cân tài.

Ông Sản bảo: “Tôi vẫn nhớ, vì mồ côi cha nên tôi không có người bảo hộ. Muốn đấu được một trận đâu phải dễ. Lúc nào tôi cũng phải chen lấn để đứng ở hàng đầu, mong các chú, các bác thương mà cho đấu vật. Thắng sướng mà thua cũng sướng đến mất ăn mất ngủ vì được đấu vật”.

3 năm đi bộ đội (từ 1972 đến 1975), những lúc không cầm súng chiến đấu, vớ được đồng đội nào là ông Sản lập tức trò chuyện về đấu vật, bất kể người nghe có thích hay không. Bây giờ, ngay đến cô con gái Dương Thị Cúc muốn học vật dân tộc cũng được bố Sản chiều luôn. Hiện Cúc đã là thành viên của đội vật Hà Nội. “Máu” vật như ông Sản đến thế là cùng.

Ông Sản say sưa giới thiệu cho chúng tôi nghe những cái hay của vật dân tộc. Ví như chỉ cần nhìn các đô vật thể hiện động tác xe đài là hiểu đô vật ấy đến từ vùng quê nào. Anh nào ở Hà Tây (cũ) thì xe đài theo thế quay tơ dệt lụa. Anh nào miền biển y như rằng, xe đài theo thế quăng chài, bổ lưới, chèo thuyền… Ngoài ra, vật dân tộc còn có rất nhiều nghi thức hàm chứa ý nghĩa tâm linh như keo vật thờ, tiếng trống chầu. Thứ đến là các đòn, thế khi thi đấu… Nghe hay thật là hay.

Đam mê và hành động

Bao năm tập vật, đấu vật và dạy vật, ông Sản có rất nhiều học trò. Không ít người được ông huấn luyện tận tình đã trở thành tuyển thủ quốc gia và đạt thành tích xuất sắc, cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng ông Sản vẫn trăn trở phải làm thế nào để phát triển môn vật hơn nữa.

Bây giờ, thật mừng là phong trào tập luyện, niềm đam mê với vật dân tộc vẫn phát triển. Quan trọng là phải tạo ra sân chơi để mọi người chơi, để vật không mai một.

Nhìn sang đất vật Hiệp Hoà “đánh trống là thành hội”, ông Sản quyết phải biến đất Tân Yên nhà mình cũng trở thành đất vật như ai. Nghĩ là làm, ngoài sới vật ở nhà, ông Sản tích cực hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ trong huyện để thi đấu giao lưu. Không những vậy, ông còn bàn với lãnh đạo Trung tâm TT-VH huyện Tân Yên để phối hợp với Phòng GDĐT đưa môn vật vào các trường học như một hoạt động ngoại khoá.

Mấy năm nay, các trường THCS ở Tân Yên như Song Vân, Lam Cốt, Ngọc Châu, Hợp Đức, Cao Xá… đã đưa môn vật vào như một nội dung giáo dục thể chất và thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đáng nói là hoạt động này thu được nhiều thành công và tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh...

Bây giờ về Tân Yên, cứ thấy một ông nông dân đạp xe trên đường làng, gặp anh nào cũng ngắm kỹ từ đầu đến chân rồi bảo: “Cậu tập vật dân tộc không?” thì đó đích thị là ông Sản - lão nông mê đấu vật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem