Cổ vật quý chất đống quanh nhà
Trong giới chơi cổ vật khắp cả nước, nói đến “Hinh Thiên Trường” (tức ông Trần Văn Hinh, SN 1963, ở TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường) không ai không biết. Người ta biết đến ông không chỉ bởi danh tiếng của một nhà sưu tầm “có hạng” mà còn phục ông bởi tâm hồn phóng khoáng, sẵn sàng cho đi hoặc hiến tặng cổ vật quý.
Ông Trần Văn Hinh (SN 1963, ở TP. Nam Định)
Tìm đến nhà ông Hinh vào một trưa cuối năm 2019, chúng tôi phải chờ khá lâu mới gặp được chủ nhân kho cổ vật bởi trước đó ông bận đi tiếp khách.
Chỉ tay vào kho cổ vật chất đống quanh nhà, ông Hinh cười tươi nói: “Trước đây tôi có nhiều cổ vật lắm, ở thời đỉnh điểm phải lên tới 5.000 món đồ nhưng rồi sau đó tôi chuyển bớt cổ vật cho những người yêu thích khác và hiến tặng cho các bảo tàng nên đến nay chỉ còn khoảng 2.000 món đồ”.
Ông Hinh kể, trước đây nghề chính của ông là buôn bán ô tô, xe máy, công việc buôn bán này cũng khá phát đạt. Nhưng sau đó vì yêu văn hóa dân tộc cùng bản tính thích phiêu lưu, mạo hiểm, ông đã quyết định bỏ nghề này theo đuổi niềm đam mê “săn” cổ vật từ năm 1989.
Những ngày đầu trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Hinh rong ruổi khắp nhiều miền quê của Việt Nam để “săn” cổ vật. Cứ rong ruổi và chịu khó tích tiểu thành đại, đến nay ông Hinh đã có một kho đồ cổ quý hiếm với nhiều món đồ quý có từ thời nhà Trần, Lý, Nguyễn.
Trong đó, có những món đồ đặc biệt quý giá, được giới chơi đồ cổ đánh giá là “hàng độc, hàng hiếm” như: hiện vật đầu rồng bằng đất nung thời Lý - Trần, bộ long sàng (giường vua nằm), cổ vật “mình người, đầu chim” thời Lý - Trần, bộ sưu tập 16 lá đề đời Trần có màu men vàng và lục…
Chơi cổ vật, nặng lòng với cổ vật, tuy nhiên không vì thế mà ông Hinh giữ những món đồ quý cho riêng mình. Ông thường hiến tặng cổ vật cho người yêu thích, bảo tàng mà không màng đến tiền bạc.
“Đến nay tôi đã tặng hơn 120 món đồ làm bằng gốm, đồng từ thời Hán, Đông Sơn, Trần, Lê, Nguyễn… cho Bảo tàng Nam Định. Ngoài ra, tôi cũng tặng 2 tháp đất nung cho Bảo tàng Thanh Hóa, tặng Bảo tàng Trung ương hoa văn lá đề uyên ương… Nhiều bảo tàng khác cũng đang mượn tôi một số lượng cổ vật lớn để trưng bày, truyền tải thông điệp lịch sử đến với người dân”, ông Hinh chia sẻ.
Kho cổ vật với hơn 2.000 món đồ của ông Hinh
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho hay, ông Hinh là một người sưu tầm cổ vật có tiếng ở Nam Định và khá nổi tiếng ở miền Bắc. Trong những năm gần đây, ông Hinh đã tặng hơn trăm cổ vật quý cho bảo tàng Nam Định.
“Hiếm thấy có một người sưu tầm cổ vật nào lại có một kho cổ vật tại nhà đồ sộ như vậy. Ngoài sưu tầm, ông ấy còn chuyển giao cổ vật cho những người yêu thích khác”, ông Thư chia sẻ.
Mất 10 năm mới “săn” được một món đồ yêu thích
Đối với ông Hinh, quá trình tìm kiếm cổ vật không khác gì những trận đánh du kích “trường kỳ kháng chiến”. Nghe nói ở đâu có cổ vật quý là ông tìm đến, bất kể là mũi Cà Mau xa xôi hay nơi địa đầu Tổ quốc.
“Không phải chỗ nào người ta cũng đồng ý bán cổ vật ngay, có những món đồ tôi mất vài năm, thậm chí hơn chục năm để thuyết phục. Cụ thể nhất là chiếc bình bằng gốm quý hiếm của Pháp do một người dân ở huyện Ý Yên, Nam Định sở hữu. Năm 1993, khi biết tin, tôi xuống hỏi mua nhưng người ta không bán vì muốn để lại chơi. Nhưng vì đam mê, tôi quyết tâm mua bằng được và tôi phải mất 10 năm đi lại, mỗi năm đi tới thuyết phục 2-3 lần mới có thể mua được chiếc bình đó”, ông Hinh kể.
Người đàn ông sở hữu kho đồ cổ đồ sộ này kể thêm, năm 1992, hay tin một người dân ở xã Mỹ Tiến, Nam Định sở hữu một chiếc chum cổ thời nhà Trần, ông đã tìm đến hỏi mua nhưng chủ nhân cũng từ chối bán. Sau đó, phải mất 4 năm đi lại cùng nhiều lần đến thuyết phục, người này mới chịu bán lại cho ông.
“Có những chuyến tôi phải đi ra tận nước ngoài xa xôi. Cách đây vài năm, tôi lặn lội sang tận Thái Lan tìm mua được một chiếc lọ bằng gốm từ thời xưa; hay chiếc sập Ba Thành (giường nằm) của một người dân ở TP. Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi mua được những cổ vật, tôi gom lại và thuê xe ô tô chở về Việt Nam”, ông Hinh kể.
Ngoài sở hữu kho đồ cổ khổng lồ, ông Hinh còn thông thạo Hán văn, am tường lịch sử nên với bất cứ cổ vật nào chỉ cần xem qua là ông biết thật hay giả, giá trị hay không. Sau nhiều năm làm nghề, tích góp được nhiều kinh nghiệm, ông Hinh trở thành chuyên gia cổ vật.
“Mỗi cổ vật đều phản ánh một thời kỳ văn hóa của lịch sử, cuộc sống, thói quen sinh hoạt của giai đoạn lịch sử đó. Vấn đề của người chơi cổ vật là tìm ra được thông điệp ấy, thông điệp minh chứng được cho một thời kỳ đã qua. Chính vì vậy, tôi sưu tầm cổ vật với mong muốn được làm người kết nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai”, ông Hinh nói.
Kho cổ vật quý với hơn 2.000 món đồ từ thời nhà Trần, Lý, Nguyễn của một lão nông ở Nam Định khiến nhiều người...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.