Lập tổ xử lý đặc biệt vụ đại gia thủy sản ôm 80 tỷ biệt tăm

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 10/02/2017 10:26 AM (GMT+7)
Sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã thành lập tổ xử lý đặc biệt để giải quyết vụ đại gia thủy sản ôm 80 tỷ lặn tăm, khiến người nuôi cá tra lao đao.
Bình luận 0

Liên quan đến việc nhiều hộ dân nuôi cá tra gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ, sáng nay (10.2), ông Phạm Sơn – Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang đã có thông tin chính thức gửi cho phóng viên Dân Việt.

img

Trụ sở công ty Thuận An

Theo UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Công ty Thuận An, có trụ sở tại thị trấn Châu Thành, tỉnh An Giang) – công ty duy nhất được chọn tham gia thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra tỉnh An Giang đã đi Trung Quốc tham dự Hội chợ Nghề cá từ ngày 29.10.2016 và đến nay vẫn chưa về công ty.

Lãnh đạo công ty trên là ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc. Việc 2 người này tham dự hội chợ trên là theo chương trình xúc tiến thương mại của chính công ty này.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của 2 người này cũng như những vấn đề có liên quan đến vướng mắc của mô hình thí điểm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang.

Từ khi ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh vắng mặt, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó tổng giám đốc đã điều hành hoạt động Công ty Thuận An theo giấy uỷ quyền. Công ty Thuận An đang nhận làm gia công cho một công ty khác để duy trì hoạt động cũng như có kinh phí trả lương cho công nhân.

Cũng theo thông tin từ Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang, đối với những kiến nghị của những hộ dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ xử lý.

Thành phần trong tổ xử lý này gồm Sở Công thương, Sở NNPTNT, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng cho vay và một số đơn vị có liên quan. Tổ xử lý đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ xây dựng phương án thu hồi nợ trong chuỗi và xem xét xử lý những khó khăn của từng hộ dân.

img

Người dân phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi sau khi lãnh đạo Công ty Thuận An không xuất hiện nhiều tháng qua

Như Dân Việt đã thông tin, năm 2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, mô hình này có sự liên kết giữa nhiều hộ dân ở An Giang, Công ty Thuận An và phía ngân hàng cho vay.

Nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá vào Công ty Thuận An và công ty này có trách nhiệm trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng, trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn trên.

Đến ngày 17.11.2016, người dân nhận được thông tin lãnh đạo Công ty Thuận An đi công tác không trở về, có dấu hiệu bỏ trốn nên gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều nơi vì phía công ty không thực hiện trả vốn vay mua thức ăn cho phía ngân hàng (khoảng 80 tỷ đồng của 9 hộ dân), trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn cho cá như thỏa thuận…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem