Bộ Quốc triều hình luật, hay còn gọi là Lê triều hình luật, hoặc luật Hồng Đức, ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông, có quy định “bát nghị”, tức 8 bậc được nghị xét để giảm tội.
Nhà bác học Phan Huy Chú, khi biên soạn cuốn “Hình luật chí” trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí”, đã chú thích: Lệ bát nghị bắt đầu ở chương “Thu sách”, tức chương về xử án, của sách “Chu lễ” – sách chép quan chế đời nhà Chu bên Trung Quốc. Lệ này cốt để châm chước tình nghĩa, lượng xét công lao, tài năng của người phạm tội để giảm án.
Đó là cách cân nhắc của triều đình trong việc dùng hình phạt và cũng thể hiện sự chú trọng giáo hóa nhân dân, cho nên hình pháp các triều đại phong kiến sau này của Trung Quốc cũng như của Việt Nam đều lấy tám điều đó làm chuẩn, dựa vào đó mà bàn xét, để đối xử với người có công lao danh vọng khi lỡ phạm tội. “Lê triều hình luật”, cũng quy định rõ về “bát nghị” và những điều này cũng được tiếp nối ở bộ hình luật triều Nguyễn là “Hoàng Việt luật lệ”.
Chữ “nghị” ở đây có nghĩa là theo tình mà bàn tội đúng với luật hình, nhưng xem xét giảm nhẹ. “Bát nghị” gồm tám thứ nghị, gồm nghị thân, nghị cố, nghị hiền, nghị năng, nghị công, nghị quý và nghị cần.
Theo đó, nghị thân, là xem xét những người thân thích của nhà vua, tính từ anh em họ ngành xa của vua trở lên; thân thích của thái hoàng thái hậu (bà của vua) và hoàng thái hậu; thân thích của hoàng hậu.
Nghị cố, là xem xét những người cố cựu (chỉ những người cũ, đã theo giúp vua lâu ngày hoặc những người giúp vua từ triều trước). Nghị hiền, là xem xét những người có đức hạnh lớn. Nghị năng, là những người có tài năng, sự nghiệp lớn.
Nghị công, là xét những người có công lao lớn. Nghị quý, dành cho những quan viên có chức sự từ tam phẩm trở lên, những quan viên tản chức (chức quan nhàn tản, như chức học quan, hàn lâm) có tước từ nhị phẩm trở lên.
Nghị cần, là xem xét cho những người cần cù chăm chỉ trong công việc. Nghị tân, là xem xét cho con cháu những người làm tân khách nhà vua.
“Bát nghị” một phần là nguyên tắc chiếu cố theo địa vị xã hội phong kiến, thể hiện chế độ ưu tiên cho một số nhóm đối tượng nhất định, với chế độ miễn giảm nhất định, đặc biệt tập trung vào những người thân thích của nhà vua, những bề tôi thân cận. Nguyên tắc này thể hiện bản chất giai cấp của các bộ hình luật của các triều đại phong kiến, của hình luật triều Lê, triều Nguyễn của nước ta.
Bên cạnh đó, các quy định “bát nghị” còn có chế độ miễn giảm tội cho những người từng có công, trung thành với đất nước, những người siêng năng trong công việc hoặc có đức hạnh. Như vậy, không chỉ thời nay chúng ta mới thấy pháp luật có những ưu đãi, miễn giảm tội cho những người có công lao, thành tích, mà từ thời xưa đã có những quy định này. Các chế độ “nghị công”, “nghị năng”, “nghị cần”, “nghị hiền” đều khuyến khích những người hết lòng vì công việc, trau dồi đức hạnh hoặc nỗ lực lập nhiều chiến công góp phần xây dựng đất nước.
Phàm những người thuộc vào tám điều bát nghị, nếu phạm vào tử tội thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử thế nào, làm thành bản tâu dâng lên vua để xét định. Từ tội lưu (đi đày) trở xuống thì được giảm một bậc, nếu phạm tội thập ác (mười loại tội nặng nhất) thì không theo luật này. Trình tự xem xét để giảm tội cho người phạm tội từ thời xưa đã tuân theo một trình tự chặt chẽ, thống nhất.
Theo quy định của luật thời Lê, người thân thích của vợ hoàng thái tử (thái tử phi) mà phạm tội tử, thì phải tâu thỉnh lên nhà vua, kê rõ tội phạm của người ấy và tình trạng được thỉnh, định rõ bậc hình phạt để xin nhà vua quyết định. Nếu đáng xử tội lưu trở xuống sẽ được xử giảm đi một bậc. Tuy nhiên người nhà thái tử phi các tội thập ác, giết người, gian dâm trong cung cấm, ăn trộm trong cung điện, cướp của người, làm trái ngược pháp luật, thì không được xét giảm tội theo luật này.
Những người được nghị thân mà phạm tội, nếu là thân thích của vua, của hoàng thái hậu, thì được miễn các hình phạt xuy (đánh roi), trượng (đánh gậy), thích chữ mực; nếu là thân thích của hoàng hậu thì sẽ cho chuộc bằng tiền.
Ngoài ưu đãi những thân thích, người có công, người hiền tài, luật này cũng có những ưu đãi dành cho vợ của họ. Theo đó, những người đàn bà mà nhờ chồng làm quan nên cũng được ban phẩm trật, nếu phạm lỗi thì được nghị, cho theo phẩm trật mà nghị giảm tội, nếu phạm tội với ông bà cha mẹ chồng hay những người thân thích gần với chồng, thì mới không dùng luật này.
Cũng theo sách “Chu Lễ”, những ưu ái đối với người thân nhà vua khi phạm luật được quy định từ xưa, như người cùng họ với vua, các bậc tôn quý có tội sẽ không phải trị tội ngay ở chợ. Như thời Lê Thái Tông, nhà vua muốn giết Đại tư đồ Lê Sát, định sai “đem chém để rao”. Đại đô đốc Lê Ngân và Ngự sử trung thừa Bùi Cầm Hổ đều tâu rằng: “Đã là đại thần mà đem xác đi rao làm nhục, sợ rằng để tiếng chê cười cho đời sau”, nên vua cho Lê Sát tự tử ở nhà.
Ngoài các bậc đại quan, các mệnh phu mệnh phụ (các quan bậc khanh, đại phu và sĩ, tức quan chức bậc cao và vợ của họ) nếu phạm tội sẽ không phải giam ở ngục. Đây là quy định thể hiện các triều đại phong kiến yêu người thân, quý người sang, để phân biệt với người thường. Theo Phan Huy Chú: “Đó là cách làm đôn hậu phong tục, nuôi lòng liêm sỉ cho mọi người. Luật văn đời sau đại khái cũng theo ý ấy, cho nên những điều xét nghị tội của người thân, người hiền đều có châm chước cả”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.