Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: Chặng đường không có hoa hồng...

Bảo Lam Thứ sáu, ngày 30/08/2019 05:51 AM (GMT+7)
Mỗi mùa lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), trên báo chí và mạng xã hội đầy những tính từ mô tả: Lộng lẫy, ngoạn mục, ấn tượng, hoành tráng… Nhưng có một tính từ ít khi được đề cập: “lỗ”. Mỗi năm, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng “đốt” của nhà tổ chức cả trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

“Bước ngoặt” của DIFF

Công ty Pháo hoa Parente Fireworks (Italia) là một doanh nghiệp trầm lặng. Kênh truyền thông chính của công ty này là một fanpage trên facebook, với rất ít người xem.

Dòng họ Parente đã lập nên một trong những công ty pháo hoa lâu đời nhất Italia từ 100 năm trước. Họ không cần quảng bá rầm rộ để trở nên vĩ đại với nghề gia truyền của mình, bởi tên tuổi của Parente Fireworks đã gắn liền với những sự kiện thu hút hàng chục triệu khán giả, từ Olympic mùa Đông Turin, WorldExpo Milan đến những trận đấu quan trọng nhất của Juventus.

img

Hình ảnh trình diễn pháo hoa tại DIFF 2019.   Ảnh: B.L

Tháng 4/2013, lễ hội pháo hoa trên dòng sông Po ở Ostiglia, vùng Lombardia miền Bắc nước Italia mà Parente Fireworks từng là một trong những tác giả, không được tổ chức vì… thiếu vốn.

Cũng thời điểm đó, Parente đang mải mê chuẩn bị cho cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013. Đó là một trong những sự kiện được họ truyền thông rầm rộ nhất so với sự trầm lặng thường thấy. Parente đã vô địch cuộc thi này 2 lần liên tiếp. Năm đó, dù Parente không vô địch, nhiều người Việt Nam vẫn vào facebook của họ chúc mừng.

Nhưng sau đó, năm 2014, lần đầu tiên sau 6 kỳ liên tiếp, cuộc thi này không được tổ chức. Quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng chưa đủ để chơi một cuộc chơi quốc tế tốn kém.

Mùa hè năm 2014, thay vì chuẩn bị đón khách và quảng bá rầm rộ như mọi năm thì lãnh đạo thành phố lại ngồi với công ty tổ chức sự kiện, để bàn một vấn đề quan trọng: Tiền.

Trong các cuộc họp, ý tưởng “xã hội hóa mạnh mẽ” - giao lại toàn bộ việc tổ chức cho một doanh nghiệp - được đưa ra. Nhưng bài toán tổ chức lễ hội pháo hoa đơn giản đến mức khó chịu: Làm chắc chắn lỗ. Việc thu hút tài trợ khó khăn, số lượng vé bán ra trong 2 ngày không thể bù đắp được kinh phí hàng chục tỷ đồng. Phía đối tác đề nghị, ngay cả khi họ “cầm chịch”, thì thành phố vẫn phải hỗ trợ tiền mặt và phụ trách nhiều hoạt động hậu trường. Năm 2015, sự kiện được tổ chức trở lại, nhưng vẫn chỉ với 2 đêm trình diễn và… thành phố vẫn “chủ chi”.

Phải đến năm 2017, ý tưởng giao lại toàn bộ cuộc thi này cho một doanh nghiệp mới trở thành hiện thực. Sun Group - tập đoàn đứng sau nhiều thành công của du lịch Đà Nẵng, chính thức tiếp quản lễ hội pháo hoa quốc tế và khoác cho nó một tấm áo mới.

Thứ thu được còn quý hơn… tiền

Chặng đường không trải hoa hồng của một sự kiện hàng đầu Việt Nam, là bài học quan trọng cho nhiều địa phương, khi hoạt động festival đang ngày càng được đề cao trong xúc tiến du lịch nước nhà.

Bài toán của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) vẫn đơn giản như ngày đầu: Làm chắc chắn lỗ. Ba năm qua, dựa trên các con số công bố, mỗi năm Sun Group lỗ khoảng 100 tỷ đồng cho sự kiện này. Năm 2019, tổng kinh phí của DIFF khoảng 140 tỷ đồng, thì phần thu lại từ tài trợ chỉ có 31 tỷ và tiền bán vé là 12 tỷ đồng. Với sự chung tay của Sun Group, lễ hội pháo hoa được mở rộng quy mô: Thay vì diễn ra trong 2 ngày như trước kia, sự kiện được tổ chức hàng tháng trời với nhiều đêm biểu diễn. Những con số đo hiệu quả cũng tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2008, khi lễ hội pháo hoa đầu tiên được tổ chức, số lượt khách tham dự được thống kê là 30.000 người. Năm 2018, số vé bán ra đã lên tới 82.000.

Và năm 2019, tổng số khách lưu trú tại Đà Nẵng trong thời điểm diễn ra lễ hội pháo hoa là 110.000 người, gấp rưỡi trung bình các tháng khác trong năm. Đó cũng là năm Parente quay trở lại với Đà Nẵng, sau 6 năm chu du khắp thế giới. Lần này, họ không còn “bất khả chiến bại”. Với việc mở rộng quy mô lên 8 đội và thu hút những anh tài mới từ khắp thế giới, Parente phải nhường suất vào chung kết cho JoHo Pyro từ Phần Lan.

Rất dễ thấy những cái “được” của Đà Nẵng sau 10 năm tổ chức pháo hoa. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được nâng tầm ở mọi mặt. Lượng khách du lịch đã tăng từ gần 3 triệu vào năm 2013 lên tới dự kiến hơn 8 triệu trong năm nay. Quan trọng hơn, Đà Nẵng đã vun đắp được một nền tảng thương hiệu vững chãi để sử dụng lâu dài, thương hiệu “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.

Bài toán của pháo hoa Đà Nẵng, về bản chất, làm là lãi. Nhưng ở bài toán cụ thể hiện nay, làm là lỗ. Ranh giới giữa “lãi” và “lỗ” thực chất được phân định bằng tầm nhìn, và khả năng khai thác thương hiệu tương lai của những người mang tầm nhìn đó. Với Sun Group, thành phố đã chọn được nơi gửi gắm đúng tầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem