Lê Văn Ngăn - Người hát quê đã tắt lời ca

đào đức tuấn Chủ nhật, ngày 01/03/2015 14:32 PM (GMT+7)
Khi một tài năng ra đi, đất trời lạ lắm! Lạ hơn nữa, khi người ấy vừa chia sẻ với mình những điều thẳng thắn. Lê Văn Ngăn là một nhà thơ khác biệt…
Bình luận 0

Trưa 27.2.2015 (mùng 9 Ất Mùi), nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng điện tôi: “Anh Lê Văn Ngăn mất lúc 10 giờ 40 bữa nay…”. Bạn bè các nơi điện. Vậy là anh đi thiệt, ra đi trong một ngày đầu xuân ấm áp. Áp tết, tôi ghé thăm, anh nói: “Giang hồ mỏi vó rồi… Mọi chuyện đối với mình lúc này đều hư vô…”. Khi đó tôi lờ mờ hiểu.

img

Nhà thơ Lê Văn Ngăn.   Đ.Đ.T
Tôi nói Lê Văn Ngăn là một nhà thơ khác biệt là có cái lý của mình. Ông được trao giải Nhất cuộc thi thơ của Trường Quốc học Huế khi còn là học sinh, từng có nhiều bài thơ như “Sóng vẫn đập vào eo biển”, “Đất của những người bất phục”… tạo tiếng vang ngay giữa miền Nam trước 1975. Mãi độc hành một giọng văn-xuôi-không-vần-đầy-nhịp-điệu của một bản-năng-thi-sĩ luôn tự biết làm mới mình qua từng con chữ. Chậm rãi, chắt chiu với hàng trăm bài thơ lắng lòng bao thế hệ, thế nhưng mãi đến năm 2008 ông mới chính thức in tập thơ duy nhất “Viết dưới bóng quê nhà” (NXB Hội Nhà văn).

 

Ký ức trong tôi với người vừa đi, đó là hồi ở Quy Nhơn năm 2005, một người bạn nói: Tí nữa Lê Văn Ngăn tới. Tôi khấp khởi hồi hộp trước một tên tuổi đã biết “nhàu nát” qua sách báo và thơ ông đã góp “gia tài” chúng tôi một thời sinh viên khốn khó. Lê Văn Ngăn là một tiếng thơ vang dội, lắng đọng trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước trong các đô thị miền Nam trước 1975 và từ bấy đến giờ vẫn “tả xung hữu đột” tinh khôi trên văn đàn… Rẽ chiếc xe đạp cà tàng vào quán nước trước Bến xe Bình Định là người đàn ông với nước da nâu, gầy rắn rỏi, nét mặt nửa như hớn hở nửa như trầm tư. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nói: “Thi sĩ Lê Dzăn Ngăn đó!”. Hồn hậu một cách dễ chịu, nhà thơ Lê Văn Ngăn nhẹ nhàng cười chào, ngồi xuống và nâng ly, xoá khoảng cách tuổi tác ngay từ đầu. Thi sĩ có giọng thơ cực kỳ hiện đại lại mộc mạc như một lão nông vừa dưới quê lên…

“Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời đầy sao/nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc/lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh/không muốn rứt mình bên này các ranh giới/trước rào cản của kẻ thống trị, em còn muốn/tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu cầu Long Biên/và những vườn hoa bưởi/ những vại nước lấm tấm bông cau/ cũng phảng phất mùi hoa gạo/cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc/dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động (Sóng vẫn đập vào eo biển).

Giờ này, vang vọng không lẫn vào đâu được vẫn là những dòng thơ Lê Văn Ngăn: Nếu ở đâu đó còn những vết thương chưa lành giữa tâm hồn người/xin hoa lấy vẻ đẹp của hoa để khâu vá lại/Nếu ở đâu đó còn những tiếng thở dài vọng về từ những con đường cũ/xin hoa lấy nụ cười tươi thắm của hoa để pha loãng nỗi buồn/ Mùa xuân, mùa xuân/chúng tôi đã từng lạnh lẽo trên những bước đường quá khứ/chúng tôi rất cần hơi ấm của người (Cố hương, một buổi chiều êm đềm).

Lê Văn Ngăn ra đi thanh thản.


  Nhà thơ Lê Văn Ngăn sinh năm 1943 ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên -Huế; mất ngày 27.2.2015 tại TP.Quy Nhơn, Bình Định. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định. Thơ in trong nhiều tuyển tập trong và ngoài nước nhưng chỉ có một tập riêng “Viết dưới bóng quê nhà” (NXB Hội Nhà văn).

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem