Ngày 16.11, ông Đặng Công Lâm – Chủ tịch UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết, công tác chuẩn bị cho Lễ hội hoa dã quỳ tổ chức tại địa phương cơ bản đã hoàn tất, ngày chính thức diễn ra lễ hội được ấn định từ ngày 1-3.12.2017 tại làng Ia Gri (dưới chân núi Chư Đăng Ya, thuộc xã Chư Đăng Ya).
Theo ông Lâm, lễ hội là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch ở địa phương và kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế du lịch. Điểm nhấn của lễ hội lần này là vẻ đẹp tự nhiên của núi lửa Chư Đăng Ya kết hợp với mùa dã quỳ vàng nở rộ. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, gắn liền với các hoạt động văn hóa, phong tục của người dân bản địa như hội thi bắn nỏ, cồng chiêng, leo núi Chư Đăng Ya, lễ cúng giọt nước.
Đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng về măng khô, chuối hột rừng, hàng thổ cẩm và các món ăn uống mà chủ đạo là cơm lam gà nướng, cà đắng, rượu ghè. Cùng với kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, dịp này huyện quy định mỗi xã tham gia lễ hội phải có một gian hàng trừng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để giới thiệu đến du khách.
Mùa hoa dã quỳ đã bắt đầu nở rộ.
Núi lửa Chư Đăng Ya cách TP.Pleiku khoảng 30km về phía Đông Bắc, quanh khu vực núi được người dân canh tác các loại cây ngắn ngày, trồng theo hàng lối trông rất bắt mắt. Tại những vị trí giáp ranh các vuông đất, người dân chừa lại những luống cho hoa dã quỳ mọc, vào mùa hoa nở rộ kết hợp với những cây trồng khác xung quanh tạo nên bức tranh sinh động, lạ mắt. Đặc biệt, các lối mòn lên đỉnh núi cũng quanh co rất nên thơ, hữu tình. Ở Gia Lai hiện có 3 miệng núi lửa rất nổi tiếng, ngoài Chư Đăng Ya là Biển Hồ (được ví là đôi mắt Pleiku) và núi Hàm Rồng (biểu tượng của tỉnh Gia Lai).
Riêng tại huyện Chư Păh, cùng với địa danh núi lửa Chư Đăng Ya còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn được nhiều người biết đến như thủy điện Ia Ly, làng du lịch cộng đồng xã Ia M’nông, làng cổ Kon Sơ Lăl.
Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao (Ảnh: Phan Nguyên)
Có nhiều lo ngại việc tổ chức lễ hội muộn khiến hoa dã quỳ tàn, ông Lâm nói: “Thực tế từ đầu mùa hoa đã có rất nhiều người dân và du khách gần xa đến thưởng ngoạn núi lửa Chư Đăng Ya, nên đến đầu tháng 12 tổ chức cũng không đáng ngại. Thời gian này, ở tỉnh cũng diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại nên cũng là cơ hội để kết nối nhằm phát triển du lịch địa phương. Theo đó, nếu hoạt động hiệu quả thì người dân sẽ là người được hưởng lợi trước tiên, việc tổ chức lễ hội ở đây được người dân rất phấn khích, nhiệt tình ủng hộ”.
Ở Tây Nguyên, hoa dã quỳ cũng trở thành một nét đặc trưng riêng, hoa nở báo hiệu mùa khô bắt đầu (thường mùa hoa kéo dài từ cuối tháng 10 đến tháng Giêng năm sau). Hoa dã quỳ có sức sống mãnh liệt, thường bắt gặp mọc ở ven đường, góc phố, triền đồi hay thung lũng. Có chuyện kể rằng, dã quỳ là hóa thân của nàng Bờ Nga Ang, người con gái J’rai duyên dáng không may bị bắt làm nô lệ, sau đó người yêu của nàng dũng cảm vượt bảy sông, bảy núi, bảy rừng để đi tìm và giải cứu nàng. Do hành trình trở về gian khó, nàng đã chết vì kiệt sức. Theo ước nguyện, chàng đã đưa nàng lên dàn hỏa thiêu, rồi lên đỉnh núi cao nhất gửi nắm tro tàn nhờ gió đưa về quê nhà. Mỗi hạt tro về với đất mẹ lại hồi sinh, nảy thành chồi non, đâm cành đơm nụ, bung hoa rực rỡ… và luôn hướng về phía mặt trời như đang tìm kiếm những điều tươi sáng, tốt đẹp.
Một số hình ảnh đẹp về Chư Đăng Ya:
Một góc Chư Đăng Ya với dã quỳ vàng.
Hoa có màu vàng rực tự nhiên rất cuốn hút.
Từ tháng 11 hàng năm, rất nhiều du khách thập phương đến với Chư Đăng Ya để chụp ảnh, ghi lại mùa hoa đẹp nhất trong năm.
Đường lên Chư Đăng Ya mùa này ngập tràn sắc hoa dã quỳ.
Nhiều gam màu của cây trồng, hoa, cỏ tạo nên nét đẹp riêng của vùng Chư Đăng Ya.
Miệng núi lửa Chư Đăng Ya - những mảnh ghép cây nông nghiệp, hoa cỏ mang vẻ đẹp tự nhiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.