Thảm họa thiên nhiên đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều so với trong quá khứ.
Các nhà nghiên cứu ở Liên Hiệp Quốc cho rằng, các chính trị gia và giới lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới chưa hành động quyết liệt để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và ngăn Trái đất trở thành "địa ngục không thể sống được” đối với hàng triệu người, theo CNN.
Đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu khiến hơn 1 triệu người chết và 37 triệu người nhiễm là ví dụ điển hình của sự thất bại trong việc ngăn chặn “làn sóng bệnh tật và thảm họa chết người, dù rằng các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, báo cáo cho biết.
Trong giai đoạn năm 2000-2019, thế giới ghi nhận 7.348 thảm họa tự nhiên, bao gồm bão, động đất, sóng thần, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4,2 tỷ người, gây thiệt hại 2,97 nghìn tỉ USD. Số lượng thảm họa tự nhiên cao gấp đôi so với ghi nhận trong giai đoạn 20 năm cuối thế kỷ 20.
Các thảm họa tự nhiên đề cập trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc là những thảm họa khiến hơn 10 người chết và làm ảnh hưởng đến hơn 100 người khác, dẫn dến tình trạng khẩn cấp hoặc cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Sự gia tăng các thảm họa tự nhiên xuất phát từ tình trạng Trái đất nóng lên và có liên quan tới biến đổi khí hậu toàn cầu. Các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, mưa bão, hạn hán, cháy rừng đã tăng mạnh trong 20 năm qua, báo cáo cho biết.
“Thật khó hiểu khi chính con người đang gieo mầm cho những thảm họa dẫn đến sự hủy diệt của nhân loại”, Mami Mizutori, giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), nói.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa tự nhiên trong 20 năm qua, với 3.068 thảm họa được ghi nhận. Quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của thảm họa thiên nhiên trong 20 năm qua là Trung Quốc, với hơn 500 thảm họa thiên nhiên. Mỹ là quốc gia xếp sau với 467 thảm họa thiên nhiên.
Thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong báo cáo là trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, tiếp theo là thảm họa bão Nargis ở Myanmar năm 2008 và động đất ở Haiti năm 2010.
Hiện tại, thế giới đứng trước nguy cơ nhiệt độ tăng 3,2 độ C hoặc lớn hơn. Mức tăng 3,2 độ C khiến hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trên toàn cầu, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Để ngăn mức tăng nhiệt độ nêu trên, các nước cần cắt giảm tối thiểu 7,2% lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm trong 10 năm tới, để đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.