Hitler tặng bằng khen cho bác sĩ riêng Theodor Morell năm 1944.
Tác giả Norman Ohler người Đức sống trên tầng áp mái một tòa nhà tập thể ở bờ nam sông Spree, khu vực Kreuzberg, Berlin, Đức. Trong cuốn sách nhan đề “Blitzed” (tạm dịch “Chớp nhoáng”), tác giả đã mô tả lại những câu chuyện chưa từng kể về mối quan hệ có thật giữa đệ tam đế chế Đức quốc xã và các chất cấm, trong đó có cocaine, heroine, morphine và ma túy đá.
“Tôi nghĩ rằng chất cấm không được xem là một ưu tiên với các nhà sử học”, Norman nói. “Một gã khùng như tôi sẽ truy tới cùng vụ việc”. Và dù có khùng hay không, Norman đã thực hiện một nhiệm vụ tuyệt vời.
Tác giả Norman đã viết ra một tác phẩm xuất sắc được dịch sang 18 thứ tiếng khác nhau.
Ian Kershaw, một sử gia người Anh chuyên nghiên cứu về Hitler và phát xít Đức cho rằng “tác phẩm xứng đáng là một món quà vô giá”.
Câu chuyện của Norman bắt đầu từ Cộng hòa Weimar, một tên gọi để chỉ Đức thời kì 1919-1933 khi ngành công nghiệp dược phẩm ở nước này phát triển nở rộ. Thời điểm đó, Đức xuất khẩu morphine, cocain đứng đầu thế giới và thuốc cấm rất sẵn ở mọi góc phố. Hitler cố gắng tạo ra hình ảnh một người dẫn dắt không sử dụng chất cấm và sẵn sàng làm việc không biết mệt mỏi vì tổ quốc. Uống café với Hitler cũng được xem là một hành động cấm kỵ vì “tiêm” caffeine vào người.
“Ông ta là thiên tài thực sự”, một trong những đồng minh của Hitler nói năm 1930. “Hitler khiến mọi người phải hổ thẹn vì sức làm việc của mình. Hitler không uống rượu, chỉ ăn rau và không lại gần phụ nữ”.
Khi phát xít Đức nắm quyền từ năm 1933, sử dụng các chất kích thích đều là vi phạm pháp luật. Những năm sau, bất kì ai dùng ma túy đều bị coi là “tội phạm điên rồ”. Chính quyền phát xít Đức sẵn sàng tiêm thuốc độc những người làm trái lệnh, số khác bị đẩy tới trại tập trung.
Nhà máy thuốc Temmler đang sản xuất 35 triệu liệu Pervitin cho quân Đức năm 1940.
Những người sử dụng chất cấm còn bị xem là liên hệ với người Do Thái. Quân phát xít thường xuyên tuyên truyền rằng người Do Thái là những kẻ nghiện ma túy hạng nặng. Cả ma túy cũng như người Do Thái đều phải bị đẩy lùi khỏi nước Đức.
Tuy nhiên, một số loại chất kích thích vẫn được sử dụng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang chạy theo một Hitler nhiệt huyết. Vài hợp chất kích thích vẫn được thị trường chấp nhận thời điểm đó.
Tại một công ty mang tên Temmler tại Berlin, bác sĩ Frit Hauschild đã phát triển loại chất kích thích của riêng mình. Một năm sau, ông cho ra đời hợp chất methyl-amphetamine đầu tiên của người Đức.
Loại thuốc kích thích mang tên Pervitin nhanh chóng trở thành hiện tượng và được xem là tiên dược thúc đẩy sự tự tin, khả năng hoạt ngôn cho bất kì ai, từ thư ký, diễn viên tới tài xế. Thuốc có thể mua mà không cần đơn. Thậm chí, ngành sản xuất bánh kẹo hay socola cũng bắt đầu sử dụng loại thuốc này.
Pervitin - thần dược của quân đội Đức.
Phụ nữ được khuyên ăn từ hai tới ba cái kẹo chứa hợp chất Pervitin vì nó giúp họ làm việc quần quật cả ngày không biết mệt mỏi. Chưa kể, thuốc giúp giảm cân. Không lâu sau, binh lính bắt đầu lạm dụng loại thuốc này. Tác giả Norman có đăng một bức thư gửi năm 1939 bởi Heinrich Boll, một người từng được đề cử giải Nobel. Trong thư gửi bố mẹ ở quê nhà, Boll cầu xin họ gửi cho ông này thuốc Pervitin để chống lại cơn buồn ngủ.
Tại Berlin, công trình của bác sĩ Otto Ranke, giám đốc Viện Phòng vệ tâm lý khẳng định Pervitin là “thần dược” cho binh sĩ. Nó đảm bảo lính tráng không mệt mỏi và khỏe mạnh như siêu nhân.
Pervitin khiến người dùng không cần ngủ (bác sĩ Otto Ranke cho biết ông nghiện thuốc vì có thể làm việc liên tục 50 giờ đồng hồ không nghỉ) và khiến việc đánh đấm đơn giản hơn rất nhiều.
Năm 1940, quân Đức dự tính xâm lược Pháp qua núi Ardennes. Một “sắc lệnh chất kích thích” đã được gửi tới các bác sĩ quân y, khuyến khích binh sĩ dùng thuốc từ một tới hai viên mỗi ngày. Nếu cần, có thể sử dụng sau mỗi bốn giờ nếu cần. Nhà máy Temmler phải tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Những người như Boll không cần phải viết thư xin bố mẹ Pervitin nữa.
Gương mặt hốc hác của Hitler những ngày cuối đời.
Loại thuốc này giúp các binh sĩ thức trắng 3 ngày 3 đêm không cần ngủ. Rommel, một tướng lĩnh dẫn dắt đơn vị thiết giáp Đức đã giành được chiến thắng vang dội sau khi sử dụng loại thuốc này.
Do đó, thuốc Pervitin trở thành một “vũ khí” tối quan trọng với quân Đức. Trong giai đoạn 1944-1945, Hải quân Đức đưa ra ý tưởng điên rồ: chiến thuyền chữ U do một người lính lái đi ngược cửa sông Thames và dự định tấn công vào quân Đồng minh.
Trở ngại lớn nhất với họ là thức nhiều ngày nên bác sĩ Gerhard Orzechowski đã nghĩ ra một loại thuốc hoàn toàn mới – kẹo cao su cocaine – loại chất kích thích mạnh nhất mà lính Đức từng được cấp phát.
“Thật là điên rồ và đáng ghê tởm”, Norman nói. Những người lính hải quân trẻ bị nhét trong một khối sắt chật ních, không thể di chuyển, cựa quậy và chịu tác động tâm lý nặng nề khi thuốc phát huy tác dụng. Họ thường bị lạc trong quá trình tìm tới cửa sông Thames do không thể nào thức được 7 ngày liên tiếp.
Hitler và vợ Eva Braun.
“Đây là điều không tưởng”, Norman viết. “Nhưng khi bạn đối chọi một kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, bạn chẳng còn cách nào khác. Bạn phải vượt qua khả năng bản thân. Đó là lí do những tên khủng bố ngày nay đánh bom tự sát”.
Khi Hitler ốm nặng năm 1941, bác sĩ Morell chữa trị riêng cho ông ta không thể sử dụng những viên vitamin thông thường được nữa. Do đó, Morell quyết định tăng liều. Ban đầu, ông chỉ tiêm hormone nhẹ, sau đó tăng dần nồng độ và hoạt chất. Cuối cùng, ông sử dụng “thuốc thần” mang tên Eudokal có nhiều đặc tính của heroine và giúp tăng khả năng phấn khích.
Sau khi quá phụ thuộc vào Eudokal, Hitler bị tiêm vài lần một ngày. Chưa kể, trùm phát xít Đức còn sử dụng hai liều cùng độc lực với cocaine do tai gặp vấn đề sau vụ nổ ám sát bất thành ở Wolf’s Lair.
Tác dụng của loại thuốc này quả là kì diệu. Nhà độc tài Mussolini ở Ý cũng là bệnh nhân do bác sĩ Morell điều trị. Sau khi Đức dựng Mussolini làm bù nhìn ở Ý năm 1943, ông ta bị các bác sĩ Đức kiểm soát hoàn toàn và chất kích thích luôn nằm trong đơn thuốc mỗi ngày.
Lịch sử thế giới hẳn sẽ khác đi rất nhiều nều Hitler không lạm dụng chất cấm.
Với Hitler, khủng hoảng xảy đến khi nhà máy sản xuất Pervitin và Eudokal bị bom của quân Đồng minh phá hủy. Nguồn cung loại thuốc yêu thích của Hitler bị chặn đứng và tới tháng 2.1945, trùm phát xít rơi vào cơn vật vã vì thèm thuốc.
“Mọi người miêu tả trong những ngày cuối đời, tình trạng sức khỏe của Hitler vô cùng tồi tệ”, Norman viết. Hitler cong gập người trên sàn, nước dãi chảy liên tục và chọc chiếc nhíp sắt vào tay. “Chưa có lí giải rõ ràng về hiện tượng kì lạ này của Hitler. Nhiều người cho rằng ông ta mắc bệnh Parkinson. Với tôi, đây là triệu chứng của cơn thèm thuốc. Rõ ràng mọi thứ rất tồi tệ. Hitler thua trong Thế chiến II và hắn cũng đầu hàng trước một loại thuốc kích thích”.
Hai tháng sau, Hitler và người vợ Eva Braun tự sát. Lịch sử thế giới thay đổi hoàn toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.