Các trường công bố lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024: Thí sinh có nên thi nhiều lần?

Tào Nga Thứ năm, ngày 11/01/2024 12:49 PM (GMT+7)
Nhiều Đại học đã công bố lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tuy duy năm 2024. Có trường chỉ tổ chức 1 lần, có trường tổ chức 6 lần. Thí sinh sẽ lựa chọn phương án nào?
Bình luận 0

Lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học

Sáng 11/1, Đại học Quốc gia TP.HCM công bố ngày mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực. Ở đợt 1, thí sinh sẽ có hơn 1 tháng tham gia đăng ký dự thi, ngày 22/1- 4/3. Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 sẽ được Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức 2 đợt vào đầu tháng 4 và đầu tháng 6.

Đợt 1 kỳ thi được tổ chức vào ngày 7/4 tại 24 tỉnh/thành phố, gồm 21 địa phương như năm trước gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và mở rộng thêm 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố một tuần sau khi thi, vào ngày 15/4.

Các trường công bố lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024: Thí sinh có nên thi nhiều lần?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Đợt 2 được tổ chức vào ngày 2/6 tại 12 tỉnh/thành phố, gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 10/6.

Ngày 10/1, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) công bố kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) học sinh THPT năm 2024. Theo đó, ĐHQGHN sẽ tổ chức dự kiến 6 đợt thi và số lượng đăng ký 84.000 lượt và thời gian mở cổng đăng ký đợt 1 vào ngày 18/2. 

Thời gian và địa điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024:

Đợt thi

Đăng ký

ca thi

Ngày thi

Địa điểm thi dự kiến

Số chỗ dự kiến

401

9h: 18/2

23 - 24/3

Hà Nội, Nam Định

8.000

402

9h: 18/2

6 - 7/4

Hà Nội, Thái Bình,

Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa

18.000

403

9h: 18/2

20 - 21/4

Hà Nội, Hà Tĩnh,

Nam Định, Nghệ An, Hải Dương

18.000

404

9h: 6/3

11 - 12/5

Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An

18.000

405

9h: 6/3

25 - 26/5

Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình

12.000

406

9h: 6/3

1- 2/6

Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương

10.000

Thí sinh được đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12), hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký. Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi và không hoàn lại. Sau 96 giờ, ca thi sẽ tự động hủy nếu thí sinh không hoàn thành việc nộp lệ phí.

Theo dự kiến, thời gian dự thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2024 sẽ diễn ra vào 1 đợt thi duy nhất, dự kiến vào ngày 11/5/2024. Lịch thi các môn gọn trong 1 ngày, giữ ổn định như các năm trước. Cấu trúc bài thi giữ ổn định như các năm trước. Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được xây dựng gồm 2 phần là trắc nghiệm và tự luận. Đối với môn Tiếng Anh, phần thi trắc nghiệm 80%. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%. Môn Ngữ văn có 30% trắc nghiệm. Kiến thức đề thi nằm trong chương trình. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao.

Các trường công bố lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024: Thí sinh có nên thi nhiều lần?- Ảnh 2.

PGS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, theo dự kiến, đợt thi đánh giá tư duy đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào ngày 2-3 tháng 12. Ngoài ra, 5 đợt thi khác diễn ra trong năm 2024, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6.

Lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội như sau:

ĐợtNgày thi
1Ngày 2 - 3/12/2023
2Ngày 20 - 21/1/2024
3Ngày 9 - 10/3/2024
4Ngày 27 - 28/4/2024
5Ngày 8 - 9/6/2024
6Ngày 15 - 16/6/2024

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. Thí sinh được tham gia thi không giới hạn số lần. Tuy nhiên, ông Hải cho biết ở các đợt thi sau, hệ thống sẽ ưu tiên những thí sinh thi lần đầu bởi kỳ thi diễn ra trên máy tính, trường cần đảm bảo số lượng thí sinh phù hợp.

Thí sinh lưu ý gì khi thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024?

Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong đó lớn nhất là kỳ thi của hai đại học quốc gia.

Theo Trung tâm Khảo thí đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh có thể tham gia dự thi đợt 1, đợt 2 hoặc dự thi cả 2 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. 

Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 3 phần sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay, bài thi được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, lập luận, tư duy logic, tính toán, xử lý dữ liệu và năng lực tìm hiểu, ứng dụng khoa học.

Như vậy, hầu như không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3; trong đó, 20% câu hỏi cấp độ 1, có 60% cấp độ 2 và 20% cấp độ 3. Đề thi sẽ có khoảng 70% kiến thức chương trình lớp 12, còn lại là kiến thức lớp 10 và 11.

"Điểm bài thi được chấm tự động bằng phần mềm và hiển thị trên máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi. Thí sinh cũng lưu ý Đại học Quốc gia Hà Nội không tiến hành chấm phúc khảo bài thi, bởi mỗi thí sinh thi một đề thi khác nhau, nếu phúc khảo phải rà soát lại hơn 10.000 câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Các nước trên thế giới cũng không phúc khảo đối với các kỳ thi trên máy tính", ông Nguyễn Tiến Thảo nói.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân. 

"Thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, vừa lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Thí sinh cần hiểu rõ, các kỳ thi riêng có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia phạm vi lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an. Các em thí sinh cần lưu ý tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng", bà Thủy cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem