Liên thông kết quả xét nghiệm y tế: Bớt “đè” bệnh nhân ra chụp, chiếu...

Diệu Linh Thứ tư, ngày 15/03/2017 06:30 AM (GMT+7)
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo “Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học” tiến tới liên thông kết quả xét nghiệm tại các bệnh viện (BV). Theo các chuyên gia y tế, điều này phải làm chặt chẽ mới không để xảy ra những sai sót chuyên môn.
Bình luận 0

Ngập trong xét nghiệm

Ông Trần Hùng C (Hà Nam) đi khám bệnh vì đau đầu dữ dội. Khám ở BV huyện ông được chỉ định xét nghiệm (XN) máu, X.quang, siêu âm đủ cả. Tuy nhiên, BV chẩn đoán ông bị “tiền đình”, nhưng điều trị một thời gian không khỏi nên chuyển lên tỉnh. Tại đây ông tiếp tục được chỉ định làm XN máu, siêu âm, X.quang, chụp cắt lớp và kết luận ông bị phình động mạch não. BV tỉnh lại chuyển ông lên BV T.Ư để được phẫu thuật. Ông C lại tiếp tục đi vòng vèo làm XN máu, siêu âm, chụp cắt lớp… “Tiền của tốn kém thì khỏi nói. Tôi mệt rũ mà còn vòng vèo đi siêu âm, chiếu chụp khắp nơi, chờ đợi cả ngày mới xong” – ông C phàn nàn.

img

Các xét nghiệm y học sẽ sớm được chuẩn hoá theo từng hạng phòng xét nghiệm.
(Ảnh chụp tại BV A Thái Nguyên).   Ảnh: Diệu Linh

Tuy ghét phải đợi chờ nhiêu khê, lại mất tiền nhưng chị Nguyễn Thị B (Hà Nội) cho biết, nếu BV tuyến trên mà không XN lại có khi chị “chết oan”. Chị B kể, chị bị sốt, mệt mỏi nhiều nên đi khám bệnh ở BV gần nhà. Cũng chiếu chụp, XN máu, siêu âm ổ bụng đủ cả nhưng BV kết luận chị mệt mỏi do cúm. Không yên tâm, chị đi khám dịch vụ ở BV T.Ư và làm lại các XN. Kết quả, chị bị suy tim, phải phẫu thuật can thiệp. 

Việc liên thông kết quả XN cũng khiến nhiều bác sĩ lo ngại. Một bác sĩ chia sẻ, đối với nhiều bệnh nhân và một số bệnh mỗi giờ sẽ cho ra các kết quả XN khác nhau, tuỳ thuộc vào tiến trình của bệnh, thậm chí phụ thuộc vào chế độ ăn, uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu công nhận kết quả của BV khác mà không XN lại có thể dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị sai.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, quy định sẽ không cứng nhắc. Đối với những XN mang tính chất theo dõi quá trình điều trị vẫn cần XN lại, còn XN có giá trị sử dụng tương đối dài thì nên dùng lại kết quả của BV được xếp hạng phòng XN tương đương.

Cần có công cụ đo lường chính xác

Thứ trưởng Tiến nhận định, để các BV công nhận kết quả XN của nhau còn phải giải quyết nhiều vấn đề. “Muốn các BV công nhận kết quả XN của nhau  phải đảm bảo các kết quả đó ngang bằng về chất lượng. Để làm được điều đó phải xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng trung gian để thực hiện kiểm định năng lực XN, chất lượng xét nghiệm của các BV. Nếu đạt chuẩn ngang nhau mới có thể công nhận lẫn nhau” - Thứ trưởng Tiến nói.

img

Đó cũng là một trong những lý do Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng XN. Nội dung tiêu chí đánh giá bao gồm 11 điều từ tổ chức quản lý đến trang thiết bị, quá trình quản lý vật tư, sinh phẩm, chất lượng kết quả XN… “Bộ tiêu chí là công cụ để phòng XN đánh giá việc tuân thủ theo các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng liên tục, duy trì chất lượng phòng XN” – TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Theo ông Khuê, bộ công cụ sẽ giúp từng bước nâng cao chất lượng XN y học để đảm bảo kết quả XN chính xác, kịp thời, chuẩn hoá và làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả XN giữa các BV có thực hiện xét nghiệm, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh…

TS Khuê cho biết, trước mắt, đến tháng 7.2017 sẽ liên thông xét nghiệm đối với 38 BV do Bộ Y tế quản lý.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định,  trong các đợt thanh kiểm tra, cơ quan bảo hiểm phát hiện tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao diễn ra rất phổ biến. Tại nhiều địa phương, chi phí XN đang có xu hướng tăng. Có nơi tổng chi phí XN trước đó 20 - 25% giờ tăng lên 30 - 40%.

Ông Sơn phân tích, các bác sĩ có nhiều lý luận để khẳng định XN là cần thiết nên chỉ có 1 barie tốt nhất để ngăn chặn lạm dụng chính là quy trình chuyên môn. Quy định rõ trình tự thực hiện, quy định chi tiết dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng nào thì cần chụp X.quang, khi nào cần siêu âm, CT… “Cái giỏi của bác sĩ chính là khả năng khám lâm sàng để đưa ra các nghi ngờ, định hướng bệnh để chỉ định bệnh nhân khám sâu hơn. Nhưng hiện nay, có hiện tượng các bác sĩ dựa quá nhiều vào kết quả XN nên bệnh nhân vào viện là “lùa” đi làm hết các XN. Trong khi phương tiện máy móc lại chưa được chuẩn hoá.

“Đành rằng các kết quả XN có ý nghĩa lớn trong việc chẩn đoán, điều trị nhưng không thể để tình trạng lớp lớp các XN như vậy”- ông Sơn nhấn mạnh. 

Theo TS Khuê, nếu việc liên thông XN được thực hiện sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khám chữa bệnh và thời gian chờ đợi của người dân. “Không thể để bệnh nhân sốt đau đầu làm đủ các XN ở tuyến dưới chỉ ra cảm cúm, lên tuyến trên làm lại các XN, cộng thêm CT vì nghi u não nhưng kết quả vẫn là cảm cúm nữa. Chỉ tính mỗi người tiết kiệm 1 XN và vài phút chờ đợi nhưng tính hơn 1,5 triệu lượt người đi khám mỗi năm thì đó không phải là con số nhỏ” – TS Khuê phân tích.  

Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng XN y học giai đoạn 2016 – 2025. Theo đó, chậm nhất đến 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng XN thuộc BV hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Còn đến năm 2020 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng XN có cùng mức chất lượng XN trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố; đến năm 2025 liên thông kết quả XN đối với các phòng XN trên phạm vi toàn quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem