Lính Nga làm "trận địa cọc" trên thiết giáp chống drone Ukraine

V.A (theo Defense) Thứ tư, ngày 27/03/2024 15:13 PM (GMT+7)
Bằng cách hàn các que thép ở mặt trên thiết giáp, lính Nga hy vọng "trận địa cọc" này sẽ khiến drone Ukraine phát nổ trước khi chạm vào mục tiêu.
Bình luận 0

Hình ảnh trên trang Defense Express hôm nay cho thấy, các binh sĩ Nga hàn các que thép chĩa lên trời giống như những ăng-ten ở mặt trên thiết giáp BMP-1, tạo thành "trận địa cọc" để đối phó drone tự sát. 

Đây được coi là một trong những sáng kiến mới nhất của lính Nga nhằm chống lại chiến thuật sử dụng drone góc nhìn thứ nhất (FPV), vốn được coi là "khắc tinh" của tăng thiết giáp trên chiến trường Ukraine.

Lính Nga làm "trận địa cọc" trên thiết giáp chống drone Ukraine- Ảnh 1.

BMP-1 của Nga được hàn các thanh kim loại vào phía trước xe. Ảnh: Defense Express

Những que thép được hàn chĩa lên trời, san sát nhau nhiều khả năng nhằm khiến drone FPV quệt vào và phát nổ sớm hơn dự tính. Đầu đạn trên một số mẫu drone FPV của Ukraine sẽ kích hoạt khi dây kíp bằng kim loại mỏng ở phía trước va chạm vào chướng ngại vật và bị biến dạng.

Về lý thuyết, các que thép này có thể khiến drone phát nổ trước khi chạm vào mục tiêu, do đó sẽ giảm mức độ sát thương từ đầu đạn nổ lõm thường gắn trên dòng FPV chống tăng. Tuy nhiên dường như các sợi dây thép mà binh sĩ Nga hàn trên thiết giáp quá ngắn, drone vẫn có thể phát nổ ở khoảng cách đủ gần để gây thiệt hại nghiêm trọng cho chiếc BMP-1 vốn có lớp giáp mỏng. Hiệu quả thực tế của phương pháp này còn tùy thuộc vào loại đầu đạn mà chiếc drone mang theo.

Một yếu tố khác đáng nói đến là drone FPV hiện nay không sử dụng đầu đạn RPG với ngòi nổ cận đích để tập kích mục tiêu, nên có thể miễn nhiễm với "trận địa cọc" của lực lượng Nga. Nếu drone được trang bị đầu đạn chống bộ binh như mìn định hướng, phương pháp của binh sĩ Nga thậm chí có thể phản tác dụng, do việc nổ ở trên không sẽ giúp các mảnh văng từ quả đạn phân tán hiệu quả hơn.

Trong cuộc xung đột này, cả Nga và Ukraine đều sử dụng drone FPV trên chiến trường nhờ thiết bị này có giá rẻ và dễ sản xuất, đồng thời có thể gây ra sát thương lớn cho bộ binh và cả khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp, nếu đánh trúng vào các vị trí hiểm yếu trên xe.

Cả hai bên từng có những biện pháp nhằm khắc chế, giảm thiệt hại tối đa của drone như: Gắn thiết bị gây nhiễu cầm tay lên phương tiện chiến đấu để vô hiệu hóa drone từ xa, hàn giáp lồng lên tháp pháo, phủ rơm lên xe để che giấu tín hiệu nhiệt khỏi drone chuyên tập kích ban đêm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem