Sát thủ drone: ‘Chúng tôi vừa bắn chết người cha của ba đứa trẻ’
Sát thủ drone: ‘Chúng tôi vừa bắn chết người cha của ba đứa trẻ’
Thứ hai, ngày 06/02/2023 15:53 PM (GMT+7)
Tuy không phải đối mặt với hiểm nguy ngoài thực địa, những binh sĩ điều khiển máy bay không người lái vẫn bị ám ảnh về thời khắc bấm nút tiêu diệt kẻ thù.
Tuy không phải đối mặt với hiểm nguy ngoài thực địa, những binh sĩ điều khiển máy bay không người lái vẫn bị ám ảnh về thời khắc bấm nút tiêu diệt kẻ thù.
Năm 2020, giữa cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh, Azerbaijan - nước chiếm ưu thế nhờ dàn máy bay không người lái đông đảo - sử dụng phương thức tuyên truyền gây ám ảnh: Đăng tải video cận cảnh về những cuộc cuộc tấn công của máy bay không người lái lên mạng xã hội.
Các đoạn video cho thấy công sự của phía Armenia phát nổ, xe tăng bị thổi bay, và các binh sĩ xấu số mãi mãi không thể gượng dậy.
Đó mới chỉ là những gì được sử dụng để tuyên truyền. Những gì mà người lính điều khiển máy bay không người lái trải qua còn ám ảnh hơn nhiều, nhất là khi họ thường chỉ ra tay khi đã theo dõi mục tiêu hàng giờ, thậm chí hàng ngày trước đó - không chỉ như một kẻ địch, mà còn như một con người.
Máy bay không người lái đã trở thành một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại. Dù vậy, việc sử dụng loại khí tài này cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề đạo đức chiến tranh, cũng như gây áp lực tâm lý lớn lên những binh sĩ có khả năng giết người từ nơi cách đó hàng nghìn cây số, theo Washington Post.
Những cái chết cận cảnh
Cây viết Adrian Chiles của tờ Guardian từng được theo dõi hoạt động vận hành các máy bay không người lái của Không quân Anh tại Iraq và Syria - nhưng không phải từ chiến trường, mà là một căn cứ ở chính nước Anh.
“Theo như tôi nhớ, tại đó có người lái máy bay, người có nhiệm vụ sử dụng mọi loại vũ khí mà máy bay mang theo, cũng như một luật sư. Người này có nhiệm vụ tư vấn đâu là các mục tiêu hợp pháp”, Chiles nhớ lại.
Vài năm sau đó, một cựu binh trong căn cứ chủ động liên hệ với Chiles. Anh chia sẻ rằng bản thân đã phải nghỉ việc do rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Dù vậy, anh không nhận được tiền bồi thường với lý do “không phải đối mặt với cái chết”.
Cựu binh này không đồng ý. Theo anh, “cái chết” chính là những gì anh đã thấy - trước, trong và sau khi nhấn nút phóng tên lửa.
“Khi bạn giết kẻ thù, bạn nhìn thấy quá nhiều chi tiết - bạn đã nhìn họ hàng giờ, thậm chí hàng ngày, và xem cả tác động của những gì bạn đã làm. Bộ não của bạn không thể nhận ra khác biệt giữa 3.000 dặm và ba tấc”, người cựu binh chia sẻ.
Công nghệ dường như đang “kéo lùi” chúng ta trong lĩnh vực tác chiến. Dù không còn phải tác chiến giáp lá cà như xưa, các binh sĩ lại phải nhìn cận cảnh thời khắc kẻ thù gục ngã qua màn hình.
“Điều này đã đưa chúng ta về 300 năm về trước, trở thành một binh sĩ cầm cung tên hướng đến kẻ thù. Bạn cảm thấy mình chỉ cách kẻ thù vài tấc. Bạn thấy mọi thứ một cách chi tiết - đây chính là vấn đề”, người cựu binh nói.
Không chỉ các binh sĩ Anh phải trải qua cảm giác này. Những người lính Mỹ, nước đi đầu trong việc sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt mục tiêu, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, cũng nhận thấy điều tương tự.
Kimi là một nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ, có nhiệm vụ xem xét các đoạn video mà máy bay không người lái quay được từ chiến trường để giúp đỡ binh sĩ Mỹ khi cần thiết.
Trả lời phỏng vấn NPR năm 2017, cô nhớ lại về một quyết định khó khăn mà mình từng phải đưa ra nhiều năm trước đó.
“Tôi đã quyết định đúng. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi đã có thể làm sai, và nhiều người có thể đã chết vì một quyết định sai lầm”, cô nhớ lại.
“Đó là chiến tranh: Rõ ràng, đơn giản và được truyền tải với độ nét cao”, đại tá Jason Brown, chỉ huy đơn vị của Kimi, nói.
“Chúng tôi vừa cướp đi người cha của ba đứa trẻ”
Vấn đề tâm lý của những binh sĩ trực tiếp điều khiển máy bay không phải là một chủ đề mới và đã được nhắc đến trong nhiều cuốn sách và bài báo khoa học.
“Tôi đã theo dõi một mục tiêu trong tám giờ. Tôi thấy anh ta đi vào cửa hàng và tới gặp vợ mình”, cựu trung tá quân đội Mỹ Wayne Phelps dẫn lời một binh sĩ trong cuốn sách “Giết người từ xa: Tâm lý của việc giết chóc bằng máy bay không người lái”.
“Cuối cùng tôi giết anh ta”, binh sĩ trên nói tiếp, theo Intercept. “Tôi biết rằng anh ấy có vợ. Chúng tôi vừa biến cô ta thành góa phụ. Chúng tôi vừa cướp đi người cha của ba đứa trẻ. Điều này thật tồi tệ. Tôi ước rằng đó chỉ là một người trên xe mà chúng tôi không hề hay biết”.
Một nhân viên phân tích tình báo kể lại một câu chuyện gần như tương tự: Nhóm của anh có nhiệm vụ theo dõi một mục tiêu 24/7 trong vòng sáu tháng. Bên cạnh những hành động “thù địch”, các binh sĩ Mỹ còn nhìn thấy mục tiêu đưa con đi học hay chăm sóc gia đình mỗi ngày. Họ dường như có sự cảm thông nhất định.
Rồi ngày định mệnh cũng đến. Sau quãng thời gian dài theo dõi và nhận ra “ông ấy chắc chắn là một người cha tốt” - theo lời nhân viên tình báo - việc bấm nút tiêu diệt mục tiêu không còn giống như trò chơi điện tử.
Phản ứng của những người thân của mục tiêu cũng là điều gây bứt rứt.
“Tôi đã nhìn thấy con trai nạn nhân - người mà tôi mới tiêu diệt bằng tên lửa Hellfire - nhặt nhạnh các mảnh thi thể của cha mình”, một binh sĩ nói về ngày tồi tệ nhất đời mình. “Sắc mặt của cậu bé và cách cậu bé tương tác với các thành viên trong gia đình vẫn đang ám ảnh tôi”.
Trong cuốn sách, tác giả Phelps lập luận máy bay không người lái chỉ là một phát minh tiếp theo của con người để chiếm ưu thế trên chiến trường, tiếp sau cung tên, đại bác, súng bắn tỉa, máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, với cuốn “Giết người bất cân xứng”, tác giả Neil Renic nhận định máy bay không người lái tạo ra sự “bất cân xứng về bạo lực” khác hẳn so với các loại vũ khí khác - một bên vừa không bị đe dọa về tính mạng, vừa nắm hoàn toàn “quyền sinh quyền sát” với kẻ thù.
“Một trong những hệ quả của thay đổi này là sự ‘phi nhân tính hóa’ các mục tiêu bị Mỹ nhắm đến”, Renic viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.