Lĩnh vực Mỹ hụt hơi giữa thời điểm thương chiến với Trung Quốc

Việt Anh - CBS News Thứ tư, ngày 02/10/2019 13:55 PM (GMT+7)
Một khảo sát được công bố hôm thứ qua (1.10) ghi nhận hoạt động sản xuất tại Mỹ đang phải chịu mức tăng trưởng yếu nhất trong hơn 10 năm qua.
Bình luận 0

img

Ngành sản xuất tại Mỹ đang phải chịu mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua (Ảnh: GETTY)

Cuộc khảo sát hàng tháng của Viện Quản lý cung ứng (ISM), một hiệp hội các nhà quản lý tiêu dùng ở Mỹ, cho thấy lĩnh vực sản xuất - chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ - trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6.2009. Số lượng việc làm trong lĩnh vực này cũng đã ít đi.

Theo ISM, sự suy giảm trong thương mại quốc tế và nhu cầu đối với hàng hóa của Mỹ là yếu tố lớn nhất tác động đến các ngành sản xuất của nước này. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng là một trong những lý do, theo CBS News. Một nhà sản xuất linh kiện và thiết bị điện khi được khảo sát cũng cho rằng "thuế quan đã gây ra nhiều lúng túng trong ngành".

Tại bang Louisiana, Thống đốc John Bel Edwards hôm qua đã cho rằng các khoản áp thuế dẫn đến việc đóng cửa đột ngột một nhà máy thép tại đây. "Dù Bayou Steel không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào cho việc đóng cửa, nhưng chúng tôi biết rằng công ty này, vốn sử dụng phần lớn sắt vụn tái chế được nhập khẩu, bị các khoản áp thuế làm tổn thương", ông nói.

Việc đóng cửa LaPlace, chi nhánh sản xuất của Bayou Steel ở bang Louisiana sẽ khiến 376 công nhân có nguy cơ mất việc.

Kinh tế hụt hơi

Khảo sát của ISM đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến giá cổ phiếu Mỹ ngừng tăng và khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 300 điểm, tương đương 1,2%. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm hơn 1%.

Theo ông Jim Baird, đối tác và giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ thường "dễ nhận thấy nhất trong các công xưởng của nước này". "Tin xấu hơn, ít nhất trong lúc này, là có rất ít lý do để mong đợi một giải pháp trong thời gian tới," ông cho biết.

Một số nhà kinh tế cũng đã hạ thấp những dự báo về tăng trưởng kinh tế trong quý 3 của mình vì nhu cầu suy giảm đối với các mặt hàng sản xuất. Các nhà kinh tế tại tổ chức Cố vấn kinh tế vĩ mô đã hạ mức GDP ước tính trong giai đoạn này xuống còn 1,6%. Kinh tế Mỹ đang dần hụt hơi, khi giảm mức tăng trưởng từ 3% trong 3 tháng đầu năm xuống chỉ còn 2% trong quý 2.

Sự sụt giảm cũng có thể gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, khi các nhà hoạch định chính sách gặp nhau vào cuối tháng 10 tới. Ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất quỹ liên bang tới 2 lần trong năm nay.

img

Giá cổ phiếu Mỹ đều ngừng tăng do những lo ngại về suy thoái kinh tế 

Tổng thống Donald Trump cũng đã đề cập đến vấn đề này trên mạng xã hội vào hôm qua, khi cho rằng lãi suất đang "quá cao" và chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell và ngân hàng trung ương Mỹ "đã cho phép đồng đô la tăng giá quá mạnh, đặc biệt khi so với các loại tiền tệ khác, khiến ngành sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực. "

Phục hồi ngành sản xuất tại Mỹ đã và đang là một mục tiêu quan trọng đối với Tổng thống Trump, người vào năm 2017 đã phê chuẩn quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp, vốn được soạn ra để thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Vào năm ngoái, khi ngành sản xuất trung bình bổ sung được 22.000 việc làm vào mỗi tháng, Tổng thống Trump đã hoan nghênh sự tăng trưởng trên, khi mô tả đây là "một trong số những ngành tốt nhất và quan trọng nhất của chúng ta".

Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ tạo thêm 3.000 việc làm vào tháng 8 vừa qua, trong bối cảnh các nhà sản xuất đang cắt giảm mạnh việc thuê nhân công trong những tháng gần đây.

img

Chỉ có 3000 việc làm được bổ sung trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ trong tháng 8 vừa qua 

"Sức mua liên tục của người tiêu dùng đồng nghĩa với việc sự suy thoái đối với toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ được đẩy lùi ngay cả khi ngành sản xuất đang lâm nguy, nhưng thế kiềng một chân này không bao giờ là ổn định", ông Ian Shepherdson của tổ chức Pantheon Macroecomics cho biết. "Vào cuối năm nay, nền kinh tế Mỹ có thể dễ dàng rơi vào một vị thế không thoải mái, khi bất kỳ cú sốc nào đối với niềm tin của người dân, như tác động từ các khoản thuế đối với hàng tiêu dùng, đều có thể gây suy thoái."

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng những bất đồng liên tục về vấn đề nhân công của hãng xe General Motors là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất tại Mỹ. Tình trạng đình công tại khoảng 55 nhà máy GM trên toàn quốc trong những ngày qua đã gây ảnh hưởng lên toàn chuỗi cung ứng ô tô của hãng này.

"Chúng tôi dự đoán rằng sự suy thoái này ít nhất có một phần nguyên nhân từ các cuộc đình công tại General Motors," Paul Ashworth, trưởng bộ phận kinh tế tại Mỹ của tổ chức nghiên cứu tài chính Capital Economics, cho biết trong khảo sát của ISM, "Nó cũng phản ánh sự yếu kém của các điều kiện toàn cầu và củng cố niềm tin của chúng tôi rằng, bất chấp sự phản đối của một số quan chức Mỹ trong những ngày gần đây, FED vẫn sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ vào tháng 12 tới."

Lĩnh vực Trung Quốc phát triển thần tốc khiến Mỹ e sợ, không còn cơ hội để ngăn lại

Một số chuyên gia nhận định trên đài CNBC rằng Trung Quốc đang dần đuổi kịp Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ, và...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem