Lo âu, căng thẳng vì không thích ứng kịp với mất việc, nợ nần, ly hôn...

Diệu Linh Thứ ba, ngày 14/01/2025 08:00 AM (GMT+7)
Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng khấm khá nhưng ngày càng nhiều người bị rối loạn lo âu, stress vì không thích ứng với sự thay đổi.
Bình luận 0

Gia tăng bệnh nhân rối loạn sự thích ứng

TS, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày càng nhiều người đến Viện khám về những lo âu, căng thẳng mà nguyên nhân sâu xa là do không theo kịp với những thay đổi của cuộc sống. 

Những ca bệnh rối loạn sự thích ứng này chiếm từ 10 đến 30% bệnh nhân ngoại trú về sức khỏe tâm thần và lên đến 50% bệnh nhân nội trú tại bệnh viện đa khoa được giới thiệu để tư vấn về sức khỏe tâm thần đã được chẩn đoán rối loạn sự thích ứng. 

Bác sĩ lý giải bệnh "sướng quá không chịu được khổ"  - Ảnh 1.

Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng khấm khá nhưng ngày càng nhiều người bị rối loạn lo âu, stress vì không thích ứng với sự thay đổi. (TS Dương Minh Tâm)

"Con người ta sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống như ly hôn, bệnh tật, nghỉ hưu, sinh con, mất người thân, mất việc làm, làm ăn thua lỗ, nợ nần, thi cử, các mâu thuẫn ở trường học, ở chỗ làm.... Nếu như không thích ứng với vấn đề này, người ta dễ bị lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, stress... 

Đây là triệu chứng của rối loạn sự thích ứng. Nếu như không được hỗ trợ để bệnh nhân loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng hoặc thích nghi với những thay đổi, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nặng hơn như mất ngủ; Cách ly xã hội và thu rút; 

Xung đột hôn nhân hoặc gia đình; Suy giảm khả năng làm việc; Nghiện rượu, sử dụng ma tuý; Rối loạn trầm cảm; Rối loạn lo âu; Rối loạn nhân cách chống đối xã hội; Tự huỷ hoại; Ý tưởng và hành vi tự sát", TS Tâm phân tích. 

Chia sẻ về một ca bệnh rối loạn sự thích ứng, bác sĩ Vũ Thị Lan, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây 1 phụ nữ (46 tuổi) đã đến Viện khám với các triệu chứng lo lắng, buồn chán, mất ngủ, ăn uống kém. 

Chị bị sút 4kg trong vòng 2 tháng nên tưởng mình bị mắc ung thư, tuy nhiên đi khám lại không hề có bệnh gì. Chị chia sẻ, cách đây 5 tháng, chồng chị làm ăn thua lỗ, nợ nần, kinh tế gia đình eo hẹp, mọi chi tiêu trong nhà phải thắt chặt. 

Do đó, bệnh nhân sống trong căng thẳng, luôn suy nghĩ vềchuyện kinh tế gia đình, lo không trả được nợ bệnh nhân hay hồi hộp trống ngực, lo lắng bồn chồn bất an, mệt mỏi chậm chạp, ít nói, ít tươi cười, ăn kém ngon miệng. 

Thăm khám và trắc nghiệm tâm lý cho thấy, bệnh nhân lo âu, trầm cảm và stress ở mức vừa và được chẩn đoán: Rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Người bệnh được điều trị bằng liệu pháp hóa dược chống trầm cảm, giải lo âu, an thần kinh yên dịu. Cùng với liệu pháp tâm lý: trị liệu tâm lý cá nhân, thư giãn luyện tập. Sau 3 tuần điều trị, triệu chứng đã giảm bớt. 

Tại sao càng sướng lại càng nhiều người căng thẳng, lo âu? 

Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về việc xã hội phát triển, con người ngày càng sướng hơn "các cụ ngày xưa" nhưng khả năng chịu đựng và thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống ngày càng kém, TS Tâm cho biết, sức khỏe tinh thần phụ thuộc và nhân cách và tính cách của mỗi người. 

Ngày xưa, con người ta khó khăn, vất vả nên được rèn luyện, liên tục phải thay đổi để chống đỡ với khó khăn, để tồn tại, còn ngày nay, khi cuộc sống sung sướng, đã số mọi người được cha mẹ chăm sóc, bao bọc từ nhỏ, không có cơ hội đối diện với khó khăn hay "vừa khó khăn đã có người làm hộ" nên không có sự trải nghiệm, kinh nghiệm ứng phó với những thay đổi, biến động. 

Bác sĩ lý giải bệnh "sướng quá không chịu được khổ"  - Ảnh 2.

Cuộc sống với nhiều đòi hỏi, nhu cầu cao khiến con người khó thích ứng. Ảnh minh họa ananda

Do đó, họ dễ rơi vào lo lắng, căng thẳng, sợ hãi khi cuộc đời xảy ra biến cố. 

"Sướng hơn có nghĩa là ít khổ hơn và do ít khổ hơn nên khi gặp khổ khó thích ứng hơn", TS Tâm đúc rút. 

Theo TS Tâm, đặc biệt khi xã hội càng phát triển, cuộc sống càng khấm khá thì đòi hỏi về chất lượng sống mọi mặt ngày càng cao. Chất lượng lao động đòi hỏi cao, nhu cầu sống cao... khiến con người ta phải nỗ lực nhiều hơn để nâng cao trình độ, năng lực của bản thân. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ từ bé đã sướng thì rất khó vượt lên chính mình. 

"Thanh thiếu niên ngày nay "vượt sướng" khó hơn là "vượt khổ". Có quá nhiều cám dỗ, quá nhiều thú vui lôi kéo các em, khiến các em khó tập trung vào học hành, nâng cao kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống, phát triển bản thân... Trong khi đó đòi hỏi xã hội ngày càng cao.... Những điều này khiến thanh thiếu niên ngày càng khó thích ứng", TS Tâm chia sẻ. 

Chia sẻ thêm về nguyên nhân "sướng quá không chịu được khổ", bác sĩ tâm lý Bùi Văn Toàn - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày xưa, mọi người chỉ có 1 mục tiêu là làm thế nào để tồn tại được. Còn khi xã hội phát triển như ngày nay thì không còn dừng ở mục tiêu ăn no, mặc ấm mà phải ăn ngon, mặc đẹp, học ở trường tốt, đi xe đẹp, ở nhà lầu... 

Khi đòi hỏi nhiều lên, áo lực cũng sẽ nhiều lên, thích ứng không kịp với sự thay đổi, lại thấy mình khổ quá, quá lo âu, căng thẳng... Mọi người thường nói vui "sướng không biết đường sướng" là như vậy", bác sĩ Toàn chia sẻ. 

TS Tâm khuyến cáo khi có các biểu hiện lâm sàng của bệnh, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đồng thời về phía mỗi người, bác sĩ cho rằng, nên tìm một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn.

Bên cạnh đó, cần có một lối sống, tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở chứ không nên chỉ nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính hay lo âu cũng cần có sự tương trợ, quan tâm để không xảy ra hệ lụy đáng tiếc...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem