Lộ diện loạt doanh nghiệp phân phối - bán lẻ "bội thu" nửa đầu năm, có "ông lớn" lợi nhuận tăng "sốc" 5.200%
Lộ diện loạt doanh nghiệp phân phối - bán lẻ "bội thu" nửa đầu năm, có "ông lớn" lợi nhuận tăng "sốc" 5.200%
Phương Thảo
Thứ hai, ngày 12/08/2024 13:15 PM (GMT+7)
9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất trong lĩnh vực phân phối bán lẻ gọi tên: Masan, PNJ, Doji, Thế giới di động,... Các doanh nghiệp này "bội thu" trong nửa đầu năm nay, thậm chí có doanh nghiệp lợi nhuận tăng tới 5.200% so với cùng kỳ.
9 doanh nghiệp phân phối - bán lẻ dẫn đầu danh sách nộp ngân sách nhà nước
Danh sách Top 9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ, thuộc Private 100 công bố mới đây bao gồm: Masan Group, PNJ, DOJI Group, Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld, Petrosetco, Tasco và Vimid.
Trong năm 2023, 9 doanh nghiệp này đã nộp tổng cộng hơn 10.600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, Masan Group, DOJI, PNJ và Thế giới Di động đều có số nộp trên 1.000 tỷ đồng.
Nếu như lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán là những ngành kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp trong ngành có hoạt động rất tương đồng nhau thì hoạt động của các danh nghiệp trong Top ngành phân phối – bán lẻ lại rất đa dạng, trải dài ở nhiều mảng khác nhau từ kinh doanh siêu thị (Wincommerce của Masan Group, Bách Hóa Xanh của TGDD), nhà thuốc (Long Châu của FPT Retail), hàng điện tử điện máy (Thegioididong.com, Điện Máy Xanh, FPT Shop, Digiworld, Petrosetco) đến bán lẻ nữ trang (PNJ, DOJI), ô tô (Tasco và Vimid).
Trong số này, Masan Group, DOJI và Tasco là những doanh nghiệp đa ngành nhưng bán lẻ là một trong những mảng chủ đạo.
TOP 9 doanh nghiệp phân phối - bán lẻ này đang kinh doanh ra sao?
Trong nửa đầu năm 2024, 9 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất này tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Lợi nhuận tổng cộng của 9 doanh nghiệp này đạt gần 11.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
6 tháng đầu năm, Masan ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.802 tỷ đồng, tăng 74,6% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Masan đạt 157.466 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm.
PNJ, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 22.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch năm 2024 đặt ra là đạt doanh thu thuần 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, sau nửa năm PNJ đã hoàn thành 59,5% kế hoạch doanh thu thuần và 55,9% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tuy nhiên, theo đại diện PNJ, biên lợi nhuận gộp trung bình trong 6 tháng đầu năm 2024 của công ty chỉ đạt 16,4%, giảm so với mức 18,9% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh. Mảng vàng 24K với biên lợi nhuận không cao đóng góp tỷ trọng lên tới 41,5% doanh thu, cao so với mức 30,7% cùng kỳ năm trước.
Thế giới Di động (MWG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023.
Với kết quả đạt được, Thế giới Di động đã hoàn thành 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Thời điểm 30/6, tổng tài sản của Thế giới Di động đạt 65.870 tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ (tương đương 10%) so với đầu năm.
Trong đó, số dư tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến gần 31.000 tỷ đồng, tăng 6.600 tỷ so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay tài chính giảm khoảng 2.000 tỷ so với đầu năm, xuống mức 23.000 tỷ đồng.
Với FPT, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Như vậy, với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Đến với Digiworld, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Công ty đạt 9.993 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 181 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,8% và 7,1% so với nửa đầu năm ngoái.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Digiworld giảm nhẹ hơn 2% so với đầu năm xuống 7.337 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả đến cuối quý II/2024 của công ty giảm 7% so với đầu năm còn 4.529 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn đến cuối quý II/2024 của công ty lại tăng 13,9% so với đầu năm lên 2.650 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Digiworld đã đi vay 5.689 tỷ đồng và trả nợ 5.364 tỷ đồng. Ngoài ra công ty cũng đã trả hết khoản nợ dài hạn 5,5 tỷ đồng, đưa dư nợ vay dài hạn về con số 0.
Petrosetco trong 6 tháng ghi nhận đạt 8.943 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 96%, lên 86 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 63 tỷ đồng.
Tasco ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 11.634 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng, lần lượt gấp 18,6 lần và 6,8 lần kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023. Qua đó, hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Cuối cùng là Vimid, Công ty này báo lãi 6 tháng đạt hơn 20,6 tỷ đồng. Riêng quý II, mức lợi nhuận này tăng tới hơn 74% so với cùng kỳ năm trước. Theo ban lãnh đạo Công ty, việc lợi nhuận trong quý tăng mạnh là do doanh thu bán hàng tăng vì giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án logistics, dự án cơ sở hạ tầng lớn đã bắt đầu được triển khai trở lại giúp gia tăng như cầu đầu tư xe của các nhà vận tải hàng hoá, cũng như các nhà thầu dự án.
Chỉ riêng Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji hiện chưa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024
Ngành bán lẻ kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành vẫn ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).
Trong báo cáo về ngành bán lẻ bách hóa mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, doanh thu của ngành bán lẻ năm 2024 sẽ ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2023, dựa trên sự phục hồi kinh tế.
VDSC dự báo, cả niềm tin của người tiêu dùng và sức mua sẽ phục hồi vào năm 2024, đến từ: Tác động của cả chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024 và lực đẩy từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bán lẻ dược phẩm tiếp tục tăng trưởng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ổn định tại Việt Nam trong nhiều năm.
Đối với bán lẻ trang sức, nhu cầu trang sức được dự đoán sẽ tăng trở lại vào năm 2024, do sở thích mua trang sức tăng lên, đặc biệt là từ giới trẻ; và chi tiêu trang sức bình quân đầu người ngày càng tăng.
Sau đợt sụt giảm mạnh vào năm 2023, các nhà bán lẻ hàng điện tử được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhẹ ở nhóm ngành ICT khi cuộc chiến giá rẻ đã hạ nhiệt.
Còn theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo là sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2023-2028 đạt 12,05%, gấp khoảng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong cùng giai đoạn. Tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới vượt xa so với các thị trường Đông Á, Đông Nam Á và mức tăng trưởng bình quân của thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.