Bảo vệ công trình thủy lợi còn nhiều lỗ hổng
Tại hội nghị, ông Chu Văn Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP.Hà Nội nhận định, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sở NNPTNT tổ chức tập huấn về tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu và nâng cao nhận thức về công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai. Ảnh: N.Q
Tính đến hết tháng 6.2018, TP.Hà Nội còn tồn tại 10.160 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Các hành vi vi phạm bao gồm: Xây nhà, dựng lều, làm lò gạch, trồng cây, đào đất, đổ phế thải, vật liệu... |
Trong 7 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 5 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao tại Hà Nội phổ biến từ 38-40 độ (ngày 4.7 tại Sơn Tây là trên 40 độ). Mưa lớn từ ngày 22-26.6 tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất tại Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn khiến 24 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi và hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường bị ách tắc do sạt lở đất…, ước tính thiệt hại khoảng 535,68 tỷ đồng.
Theo dự báo trong năm 2018, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, như mưa bão có thể đến sớm, mực nước trên các sông giảm, các hiện tượng dông, lũ lụt, sạt lở đất gia tăng...
Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn TP.Hà Nội được phân thành 3 vùng gồm: Vùng Hữu sông Đáy, vùng Tả sông Đáy và vùng Bắc Hà Nội với 2.196 trạm bơm tưới, tiêu các loại (kể cả trạm bơm dã chiến); 35.428 tuyến kênh mương với tổng chiều dài khoảng 20.110km; 95 hồ chứa thủy lợi; 407 bai đập dâng đảm nhiệm tưới, tiêu khoảng 302.000ha đất sản xuất nông nghiệp hàng năm, trong đó diện tích trồng lúa 200.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 5.500ha, diện tích rau màu, cây công nghiệp 90.000ha, đồng thời hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và xử lý Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL hiện chưa được các cấp chính quyền, các doanh nghiệp thủy lợi quan tâm đúng mức. Cùng với đó, hầu hết các công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra phức tạp, chủ yếu là các vi phạm từ năm 2010 trở về trước.
Tính đến hết tháng 6.2018, TP.Hà Nội còn tồn tại 10.160 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Các hành vi vi phạm bao gồm: Xây nhà, dựng lều, làm lò gạch, trồng cây, đào đất, đổ phế thải, vật liệu... Ngoài ra, còn phát sinh 77 vụ vi phạm và mới giải tỏa được 22 vụ. Việc vi phạm này đã làm giảm công năng của công trình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tưới tiêu của công trình thủy lợi.
Cần phát huy năng lực các công trình thủy lợi
Để phát huy năng lực của các công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, UBND thành phố, Sở NNPTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thủy lợi khẩn trương triển khai lập và thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai 2018.
Quán triệt, tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công trình đê điều, công trình thủy lợi và pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; làm tốt công tác quản lý nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất, có kế hoạch thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của khu dân cư.
Tuyên truyền, vận động người dân tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 41/2016-UBND ngày 19.9.2016 của UBND thành phố; phát huy công tác khai thác, bảo vệ CTTL có sự tích cực tham gia của cộng đồng trên cơ sở lợi ích của người dân địa phương.
Trong quá trình triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phải kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện cho các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động, sẵn sàng xử lý kịp thời để chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa, bão, úng ngập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.