Lo ngại tình trạng “làm đẹp” học bạ

Việt Phương (thực hiện) Thứ hai, ngày 13/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên lịch sử Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc sử dụng học bạ để đối sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ mang tính hậu kiểm.
Bình luận 0

Bộ GDĐT khẳng định sẽ đối chiếu điểm thi với điểm học bạ để tránh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo cô, việc này có giải quyết được cốt lõi của vấn đề tiêu cực hay không? Hay chỉ là giải pháp hậu kiểm tình thế?

- Việc Bô GDĐT đối chiếu điểm thi với học bạ để tránh tiêu cực được xem là động thái cho thấy sự quyết tâm của Bộ trong việc chống gian lận và tiêu cực trong kỳ thi và đánh động đến việc làm đẹp học bạ ở các trường phổ thông hiện nay. Với cá nhân tôi, đây chỉ là giải pháp mang tính hậu kiểm tình thế chứ không phải là cách thức tốt cho việc giải quyết tiêu cực trong học tập và thi cử. Vì điểm học bạ là điểm thành phần của từng học kỳ với các bài kiểm tra có giới hạn phạm vi kiến thức trong từng đơn vị bài học, chỉ mang tính chất đánh giá định kỳ. Trong khi khi thi THPT lại là một kỳ thi không giới hạn bài mà là cả một chương trình của lớp 12 và 11 (như mọi năm) nên điểm số chênh lệch giữa hai bài thi là có thể xảy ra. Có thể kiểm tra định kỳ tốt thi không tốt và ngược lại nhưng điểm thành phần không tốt mà điểm thi tốt đột xuất thì hẳn có vấn đề thật.

Lo ngại tình trạng “làm đẹp” học bạ - Ảnh 1.

Học bạ chỉ mang tính hậu kiểm (ảnh minh họa: Thí sinh Hà Nội làm bài thi THPT quốc gia năm 2019) V.P

Có ý kiến cho rằng nếu đã cố tình gian lận trong việc tổ chức thi, chấm thi thì hoàn toàn có thể "nâng" điểm học bạ? Cô có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Nếu nâng điểm học bạ, người ta sẽ nâng khi kỳ thi chưa bắt đầu. Nghĩa là điểm học bạ đã chốt trước khi thi, điểm học bạ đẹp, cao thì nó không quyết định lắm đến kết quả kỳ thi, khi mà Bộ đã quy định chỉ lấy 30% điểm học bạ và cộng với điểm thi chiếm 70% để ra kết quả xét tốt nghiệp. Thế nên, có thể hiểu điểm học bạ không quyết định tất cả. Còn tiêu cực thi cử cần phải đánh giá tổng thể của kỳ thi, từ mọi khâu: Coi thi, làm phách, chấm thi, lên điểm, hậu kiểm về điểm. Rõ ràng bài học kinh nghiệm năm 2018 là khâu chấm thi, làm phách, lên điểm và công nghệ sửa điểm... Lỗ hổng nằm ở các khâu đó. Nên cần có sự giám sát chặt chẽ qua các khâu, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Cả hệ thống tham gia làm nhiệm vụ của kỳ thi, chỉ cần một khâu nào không ổn thì chắc chắn tiêu cực vẫn còn. Chúng ta cần những người thật sự có tâm và đức để thực hiện nhiệm vụ này.

Để có điểm học bạ tốt, cách tốt nhất là các bạn nên chăm chỉ học để có những điểm số cao, bên cạnh đó nên dành thời gian bổ trợ các kỹ năng thuộc về thế mạnh của bản thân để đáp ứng yêu cầu của các trường".

cô Nguyễn Thị Huyền Thảo

Sự khác biệt giữa các trường, các địa phương có ảnh hưởng tới sự đồng đều của học sinh qua học bạ?

- Đây là vấn đề mang tính tương đối. Chênh lệch giáo dục ở các địa phương là điều đương nhiên, do môi trường học tập và điều kiện học tập khác nhau nên chất lượng giáo dục mang tính tương đối. Ví dụ học sinh ở thành phố thì các em lại giỏi theo cách khác so với học sinh ở các vùng sâu, xa, hải đảo... nhưng điểm số đánh giá học sinh trong học bạ cũng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ: Đạt giỏi và giỏi nhất ở trường đó, khu vực đó với điểm A và điểm A cũng là điểm cao nhất ở vùng B hay trường B nhưng không có nghĩa hai học sinh này giỏi như nhau. Nên việc so sánh độ giỏi và điểm số giỏi ở địa phương không phải là như nhau theo các tiêu chí giống nhau. Học bạ chỉ mang tính chất tham khảo cho năng lực của học sinh trong vịệc học chứ không nên đồng nhất điểm số với năng lực của các em.

Nhiều trường ĐH hiện nay cũng sử dụng học bạ cấp 3 để tuyển sinh, theo cô đây có phải là một hướng tuyển sinh chất lượng hay không? Học sinh phải làm gì ngay từ khi mới vào cấp 3 để có một học bạ đẹp?

- Việc tuyển sinh học giúp cho các trường có điều kiện tuyển sinh được nhiều học sinh. Đặc biệt là các trường đại học thuộc điện giáo dục ngoài công lập. Đây được xem là cách để đảm bảo hoạt động của các trường khi có sinh viên theo học. Chúng ta phải chấp nhận đây là vấn đề của thị trường giáo dục. Tuy nhiên, để tuyển được các thí sinh giỏi, có năng lực thực thụ thì đó là trách nhiệm và vai trò của các trường khi đề ra cách tuyển sinh. Chúng ta đang trong bối cảnh đổi mới giáo dục và có thể thấy giáo dục đại học bước đầu đang hoà nhập vào thị trường giáo dục như một loại hình hàng hoá đặc biệt. Việc quan trọng là các trường phải đào tạo sao cho có chất lượng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn để đảm bảo uy tín, thương hiệu để xã hội và thí sinh lựa chọn khi đề ra phương án tuyển sinh.

Xin cảm ơn cô!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem