Lạng Sơn là một tỉnh có trên 231km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tình hình vận chuyển, buôn bán nhập lậu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới chưa được ngăn chặn triệt để nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả châu Phi vào địa bàn là rất cao.
Trước đó, ngày 10.9.2018, ổ dịch mới được phát hiện ở huyện Nghị An, TP.Đồng Lăng, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Dịch tả đã bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 8, lan sang 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh của nước này.
Là tỉnh có đường biên giới kéo dài giáp Trung Quốc- nơi đang có ổ bệnh tả lợn nên Lạng Sơn nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Tại buổi làm việc, ông Hưng cũng cho biết: Trên địa bàn hiện chưa phát hiện lợn ốm có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả cổ điển và bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nhận thấy mức độ lây lan nhanh chóng và hậu quả nghiêm trọng từ loại virút này, ngay sau khi nhận được Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30.8 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc chủ động nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 1108/SNN-TY ngày 5.9 về việc tăng cường phòng, chống và chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu phi vào Việt Nam gửi UBND các huyện, thành phố đặc biệt là 5 huyện biên giới và các cơ quan chuyên môn của Sở.
Thực trạng buôn bán lợn giống tại các điểm tập kết, điểm trao đổi tại các khu chợ hiện nay đã ít dần và hầu như không còn tồn tại.
Trong đó, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của UBND các huyện, thành phố là chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa; Tuyệt đối không cho buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; Phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; chủ động tiêu diệt mầm bệnh và phòng chống dịch bệnh bùng phát đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi;
Cùng với đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường phòng, chống và chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Nghiêm cấm việc xác nhận để hợp thức hóa nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới; Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới; Phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật...
Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, các hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, nông sản giữa 2 nước.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, hiện tượng vận chuyển, buôn bán và nhập lậu sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn xảy ra, riêng trong tháng 8.2018, các lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy 1.500kg nầm lợn có nguồn gốc từ bên kia biên giới, do vậy nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn là rất cao.
Theo ông Hưng, hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, Sở NN&PTNT xác định và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; thực hiện các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.