Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu: Một số nhóm sẽ được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Thứ ba, ngày 12/05/2020 10:48 AM (GMT+7)
Bắt đầu từ năm 2021 Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và thêm 4 tháng đối với nữ. Một số cán bộ, công chức giữ vị trí đặc biệt quan trọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu từ năm 2021. Nghị định sẽ hướng dẫn thực hiện quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu.

Quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động sẽ là cơ sở cho việc quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu trong pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ bắt đầu từ năm 2021 với lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu:  Một số nhóm sẽ được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn - Ảnh 1.

Từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng mỗi năm 4 tháng cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. Ảnh: M.N

Quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn cũng thực hiện theo lộ trình tương tự, được quy định chi tiết hơn theo bảng thể hiện theo từng năm đủ tuổi nghỉ hưu (từ năm 2021) sẽ được áp dụng đối với những người lao động cụ thể theo tháng, năm sinh.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi.

Về cơ bản, dự thảo nghị định quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn sẽ kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, giữ nguyên các đối tượng thuộc diện được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn bao gồm cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh cụ thể: Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ...

Ngoài ra quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn còn được áp dụng với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm và thực hiện cùng với lộ trình bắt đầu tăng từ năm 2021. Tuổi nghỉ hưu cao hơn không vượt quá 67 tuổi đối với nam vào năm 2028 và không vượt quá 65 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Đặc biệt, việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện: Khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về Đảng, chính quyền.

"Việc thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đảm bảo được nguồn lao động cho quá trình phát triển của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với già hóa dân số. Hơn nữa việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã tính toán tới yếu tố công bằng về giới, đảm bảo tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng tạo điều kiện cho lao động ốm đau, suy giảm sức khỏe được về hưu sớm"

Ông Bùi Sỹ Lợi - PHó chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc Hội



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem