Loài cây đặc biệt giúp người dân Bình Văn "đuổi nghèo"

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 05/12/2019 15:35 PM (GMT+7)
Khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, xã Bình Văn (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) trở thành nơi lý tưởng để phát triển cây hồi. Đây là thứ cây giúp người Bình Văn thoát nghèo, đưa Bình Văn từ xã 135 vào danh sách 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Bắc Kạn giai đoạn 2010-2020.
Bình luận 0

Xã nghèo “thay da đổi thịt” nhờ cây hồi

Qua khỏi đèo Bình Văn, phóng tầm mắt chạm ngay bạt ngàn những cánh rừng xanh thẳm bao bọc lấy trung tâm xã. Đó là những rừng hồi có tuổi từ 30-40 năm, thậm chí cả 100 năm tuổi. Bình Văn hôm nay thực sự thay da đổi thịt, từ xã 135 đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được kỳ tích này, cũng chính nhờ vào những cánh rừng hồi ngào ngạt tỏa hương.

img

   Ở Bình Văn không hiếm những rừng hồi có tuổi từ 30-40 năm, thậm chí cả trăm năm tuổi. Ảnh: C.H

Huyện Chợ Mới đang khuyến khích nhân dân phát triển diện tích, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1.200ha cây hồi, quế. Theo quy hoạch vùng kinh tế của huyện Chợ Mới thì cây hồi, quế được phát triển tại 3 xã phía Đông gồm Bình Văn, Yên Hân và Yên Cư. Đặc điểm của vùng kinh tế phía Đông có khí hậu lạnh, độ cao phù hợp cho phát triển cây hồi, cây quế. 

 Thế mạnh của Bình Văn - vùng kinh tế phía Đông của huyện Chợ Mới bao năm nay vẫn là cây hồi, cũng vì thế diện tích rừng hồi ở Bình Văn hiện nhiều nhất huyện. Ông Nguyễn Đình Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Văn cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 285ha cây hồi đã và đang cho thu hoạch, bên cạnh đó cũng có khoảng hơn 20ha diện tích hồi được trồng mới.

“Thu nhập từ cây hồi là nguồn thu nhập lớn giúp nhiều hộ dân ở Bình Văn thoát nghèo, vươn lên khấm khá, qua đó giúp xã đạt tiêu chí về thu nhập trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, người dân trong xã còn có thu nhập từ một số loại cây khác như cây quế, cây chè Shan tuyết và cây thuốc lá…” - ông Huy nói.

Cây trồng chủ lực

Ông Hoàng Đức Cầu - cán bộ nông lâm nghiệp xã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Ma Phúc Thắng - Bí thư Chi bộ thôn Thôm Bó. Gia đình ông Thắng là một trong số hộ có rừng hồi độ tuổi 30-40 năm, thậm chí có nhiều cây đến cả trăm tuổi. Mới chớm đặt chân đến cổng nhà, chúng tôi chạm hương hồi ngào ngạt.

Rừng hồi của gia đình ông Thắng nằm ngay phía sau nhà. Rất thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và khai thác. Tiếp chúng tôi trong ngồi nhà sàn khang trang, ông Thắng hồ hởi khoe: Năm nay hồi được giá nên bà con vui lắm. Ở thôn này có đến 90% số hộ gia đình sống dựa vào hồi. Hộ nhiều có thể thu được mấy trăm triệu đồng mỗi năm từ cây hồi.

“Không chỉ Thôm Bó mà tất cả các thôn trong xã ở Bình Văn đều có cây hồi. Thu nhập của bà con trong xã có đến 50% là từ loại cây này, cây hồi hiện  là cây chủ lực giúp bà con địa phương thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Loại cây này có nguồn gốc từ tỉnh Lạng Sơn, được các cụ mang về Bình Văn trồng cũng đã được 100 năm nay” - ông Thắng cho hay.

Bắt đầu từ tháng 5, các hộ gia đình trong thôn, trong xã tất bật thu hái quả hồi, đến nay đã đầu tháng 12 mà vẫn còn quả. “Năm nay hồi có giá tốt, giá quả tươi dao động từ 25.000 - 34.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Riêng hồi khô, tôi đang bán với giá 80.000 - 110.000 đồng/kg. Về năng suất, vườn hồi nhà tôi năm nhiều thì cho thu khoảng 17 tấn. Nói chung sau mỗi vụ, gia đình cũng dành được một khoản tiền kha khá” - ông Thắng chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Huy cho biết, trong nhiều năm qua, các dự án, chương trình giảm nghèo được xã thực hiện đều đem lại hiệu quả. Đơn cử như chương trình nuôi trâu sinh sản với 14 hộ thực hiện, cũng đang duy trì tốt. Xã vừa kiểm tra tuần vừa rồi với các gia đình được nhận trâu, ai cũng phấn khởi.

“Riêng cây hồi, với chương trình hỗ trợ cây con và phân bón, toàn xã đã trồng mới được khoảng 20ha. Tuy nhiên vấn đề hiện nay mà bà con và cơ quan chuyên môn đang hết sức lo ngại là bệnh thán thư trên cây hồi. Dù đã phun thuốc, tìm nhiều cách chữa trị nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn” - Phó Chủ tịch xã Bình Văn cho hay.

Ngoài trồng cây hồi, cây quế, cây chủ lực ngắn ngày của Bình Văn là cây thuốc lá cũng đang phát huy hiệu quả. Theo ông Huy, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không trồng được cây keo, cây mỡ như ở các xã Thanh Mai, Như Cố, Thanh Vận (cùng huyện Chợ Mới) mà chỉ trồng được cây quế, cây hồi nên bà con tập trung chủ yếu cho hai loại cây này. Và thực tế, cây quế, cây hồi tại Bình Văn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Từ xã 135, đến nay Bình Văn đã trở thành một trong 15 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem