Loại virus từng khiến 50-100 triệu người tử vong và nguyên nhân gây hại khủng khiếp

Nguyễn Thái - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 16/02/2020 18:55 PM (GMT+7)
Một so sánh nhỏ nhưng đủ để thấy mức độ nguy hiểm của đại dịch này: Số người chết do dịch bệnh trong một tháng ở Mỹ vượt xa số binh sĩ nước này thiệt mạng trong Thế chiến I.
Bình luận 0

img

Hàng trăm bệnh nhân nằm la liệt tại khu chữa trị trong đại dịch năm 1918. Ảnh: Mediadrumworld.com

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng ra hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến cả thế giới hoang mang. Đặc biệt là khi tốc độ lây lan của nó quá nhanh. Mặc dù dịch Corona đang được kiểm soát khá tốt ở ngoài Trung Quốc, và con người ngày nay dễ khống chế dịch bệnh hơn nhờ khoa học công nghệ, nhưng những gì đang diễn ra cũng gợi nhắc rằng, trong quá khứ, nhân loại từng phải đối mặt với các đại dịch kinh hoàng. Loạt bài này sẽ cùng độc giả tìm hiểu về các đại dịch lớn trên thế giới.

Theo trang History, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, dịch bệnh chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, được ước tính lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới, . 

Những khu vực đầu tiên phát hiện người nhiễm bệnh là Mỹ, châu Âu, và một số vùng ở châu Á. Sau đó, dịch lan rộng ra toàn thế giới. Thời điểm đó, chưa có thuốc hoặc vắc xin hiệu quả để chữa và phòng ngừa chủng virus cúm nguy hiểm này. Người dân phải đeo khẩu trang; các trường học, doanh nghiệp, nhà hát... đều bị đóng cửa; thi thể chất đống trong các nhà xác trước khi virus kết thúc "cuộc diễu hành chết chóc" trên toàn cầu của nó.

Nguồn gốc dịch bệnh

img

Hình ảnh virus cúm A (H1N1). Ảnh: Getty

Theo National Geographic, đại dịch cúm Tây Ban Nha do virus cúm A (H1N1) gây ra. Chủng virus cúm A (H1N1) thời điểm đó có nét tương đồng với chủng cúm A (H5N1) và (H5N2) ngày nay, theo Science Daily. Dù được biết đến với tên gọi cúm Tây Ban Nha nhưng đại dịch này không phải xảy ra đầu tiên ở xứ sở bò tót.

Thời điểm đại dịch xảy ra là lúc Chiến tranh Thế giới thứ I đang ở giai đoạn cuối. Các bên tham chiến đều giấu kín thông tin về dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha (bên trung lập) trở thành nơi đầu tiên trên thế giới công khai trường hợp nhiễm bệnh.

Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trên thực tế được ghi nhận ở Mỹ trong giai đoạn cuối của Thế chiến I. Tới tháng 3/1918, Mỹ đã ở trong cuộc chiến với Khối liên minh trung tâm (Đức, Áo, Hungary) được 11 tháng. Trong quãng thời gian đó, quân đội trước chiến tranh nhỏ bé của Mỹ đã phát triển thành một lực lượng chiến đấu hùng hậu và đã gửi hơn 2 triệu binh sĩ tới châu Âu.

Toàn bộ nguồn lực quốc gia được huy động cho chiến tranh. Tại Fort Riley, bang Kansas, một cơ sở đào tạo mang tên Trại Funston được xây dựng làm nơi đồn trú của 50.000 đàn ông, những người sẽ gia nhập quân đội. Vào đầu tháng 3/1918, đợt dịch đầu tiên của cúm Tây Ban Nha xuất hiện tại Trại Funston khi bệnh xá ở đây ghi nhận trường hợp một binh sĩ bị sốt. Chỉ trong vài giờ, hơn một trăm binh sĩ khác gặp phải tình trạng tương tự. Một số người ngã bệnh trong những tuần tiếp theo. Tới tháng 4, nhiều binh sĩ Mỹ được điều động tới châu Âu và trong số họ có những người mang theo virus tới đây.   

Tốc độ chết người cực nhanh

img

Hàng dài bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha nằm trên giường bệnh ở tiểu bang Connecticut, Mỹ, năm 1918. Ảnh: Mediadrumworld.com

Cúm Tây Ban Nha đã lấy sinh mạng nhiều người theo cách nhanh chưa từng thấy. Tại Mỹ, nhiều người thức dậy và cảm thấy ốm yếu. Sau đó, họ gục chết trên đường đi làm. Triệu chứng của cúm Tây Ban Nha khá đáng sợ. Những người mắc bệnh sẽ sốt cao và khó thở. Thiếu oxy cung cấp cho cơ thể khiến gương mặt của họ xanh xao. Xuất huyết trong gây ra tình trạng máu tràn phổi và dẫn đến nôn mửa và chảy máu mũi. Không giống một số chủng cúm trước đó, cúm Tây Ban Nha tấn công gần như tất cả mọi người từ người già, trẻ nhỏ tới những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.

Nguồn gốc chính xác của virus cúm Tây Ban Nha vẫn đang là đề tài gây tranh cãi giữa các nhà dịch tễ học. Nhưng có một sự đồng thuận rằng nó là kết quả của một đột biến gen có thể xảy ra ở Trung Quốc. Và một điều rõ ràng khác: Virus có thể lan nhanh và rộng trên toàn cầu là do sự di chuyển của quân đội các nước trong Thế chiến I.

Cuộc chiến cũng dẫn tới tình trạng che giấu thông tin về số người tử vong cao bất thường của chủng virus mới. Ở thời điểm đó, cúm Tây Ban Nha chưa được hiểu rõ và các trường hợp tử vong đều được quy do viêm phổi.

Đỉnh dịch

img

Chiến hào đông đúc là một trong những điều kiện góp phần làm lây lan dịch bệnh (ảnh minh họa: PBS)

Các chiến hào và nhà tù đông đúc trong Thế chiến I vô tình trở thành các điểm truyền nhiễm dịch bệnh. Khi di chuyển, các binh sĩ nhiễm bệnh mang theo virus tới những nơi họ đi qua. Đợt đầu tiên của dịch bệnh xuất hiện ở Kansas, Mỹ, kéo dài trong vài tuần nhưng đó chỉ là sự khởi đầu. Tới tháng 9/1918, đại dịch bước sang giai đoạn nguy hiểm nhất: Đỉnh dịch.

Theo National Geographic, con số thống kê cho thấy số người chết nhiều nhất rơi vào khoảng 13 tuần từ tháng 9 đến tháng 12/1918. Tính riêng tại Mỹ vào tháng 10/1918, ít nhất 195.000 người thiệt mạng vì cúm Tây Ban Nha. Một so sánh được đưa ra để thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này là số người chết do cúm Tây Ban Nha trong một tháng ở Mỹ vượt xa số binh sĩ nước này thiệt mạng trong Thế chiến I (116.000 người).

Một lần nữa phải nhắc lại, các khu vực quân sự đông đúc chính là điều kiện để lây lan virus và khiến dịch kéo dài, khó kiểm soát. Tháng 9/1918, Trại Devens, một căn cứ quân sự Mỹ ở bang Massachusetts, ghi nhận hơn 6.600 trường hợp nhiễm bệnh.

Khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, các dịch vụ y tế bắt đầu quá tải. Những người làm dịch vụ tang lễ cũng bị "quay như chong chóng" vì làm không hết việc. Người chết nhiều tới nỗi việc tổ chức đám tang riêng cho từng người trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Nhiều thi thể phải chịu cảnh chôn trong mộ tập thể.

Cuối năm 1918, các biện pháp ngăn chặn giúp dịch bệnh tạm ngưng hoành hành nhưng tới tháng 1/1919, đợt dịch thứ 3 và tiếp đó là thứ 4 (cuối cùng) xuất hiện. Sau đó, số ca tử vong giảm đi rất nhiều và quy mô dịch bệnh thu nhỏ lại.

Tới hè năm 1919, nhờ các chính sách chăm sóc sức khỏe tốt hơn và đột biến gen tự nhiên của virus, đại dịch đã kết thúc.

Ảnh hưởng lâu dài

Đại dịch cúm Tây Ban Nha ảnh hưởng tới hầu hết khu vực trên thế giới. Tại Mỹ, 675.000 người thiệt mạng, trong khi ở Anh và Nhật con số này lần lượt là 228.000 và 400.000 người. Đảo Tây Samoa (Samoa ngày nay) ở nam Thái Bình Dương mất 1/5 dân số khi đó. Các nhà nghiên cứu ước đoán tại Ấn Độ, số ca tử vong có thể lên tới 12 đến 17 triệu người.

Theo History, dù số người chết do đại dịch cúm Tây Ban Nha thường được thống kê là 20 -50 triệu người trên toàn thế giới nhưng theo BBC con số này có thể lên tới 100 triệu người. Rất khó để đưa ra con số tử vong chính xác của toàn thế giới trong đại dịch này do thiếu việc ghi nhận y tế ở nhiều nơi.

img

Tấm biển ghi dòng thông báo: "Mọi nhà hát đều phải đóng cửa cho tới khi có thông báo mới - Theo yêu cầu của thị trưởng". Ảnh: Mediadrumworld.com

Không chỉ khiến nhiều người thiệt mạng, đại dịch cúm Tây Ban Nha còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tại Mỹ, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì nhân viên bị ốm. Các dịch vụ cơ bản như gửi thư và thu gom rác cũng bị cản trở vì thiếu nhân lực. Tại nhiều nơi, mùa màng dù bội thu nhưng không có người thu hoạch.

Vì sao số người chết lớn?

Các bác sĩ năm 1918 phát hiện ra sự tồn tại của virus. "Nhưng họ vẫn không có chút kiến thức nào về loại virus gây ra đại dịch nguy hiểm này", Wendy Barclay, nhà virus học tại đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết. Thời điểm đó, thuốc kháng virus và vắc xin chưa ra đời.

Bên cạnh việc chưa có thuốc và các công cụ y tế cơ bản năm 1918, điều kiện sống tồi tệ thời điểm đó cũng khiến số người chết tăng cao. Chiến hào, thuyền bè, đoàn tàu đông đúc... là những nơi dễ lây lan virus cúm.

img

Các nhân viên hội chữ thập đỏ Mỹ chăm sóc cho một bệnh nhân. Thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ y tế cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Ảnh: Mediadrumworld.com

"Virus cúm Tây Ban Nha bùng phát và lây lan mạnh khi các binh sĩ vô tình mang mầm bệnh ra chiến trường. Ngoài ra, việc phải căng mình chiến đấu trong khi ăn uống không đảm bảo khiến sức đề kháng của họ suy giảm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Đặc biệt, việc thiếu vitamin B được ghi nhận làm tăng tỷ lệ tử vong trong các đợt sau của đại dịch", Patrick Saunders-Hastings, nhà nghiên cứu tại đại học Carleton (Canada), chia sẻ với BBC năm 2018.

Không chỉ các binh sĩ, ngay cả những người ở nhà cũng vẫn dễ bị lây nhiễm vì sống quá đông đúc.

Năm 2008, các nhà nghiên cứu phát hiện điều khiến virus cúm Tây Ban Nha trở nên nguy hiểm: Một nhóm gồm 3 gen giúp virus làm suy yếu ống phế quản và phổi của nạn nhân, dọn đường cho vi khuẩn gây bệnh viêm phổi tấn công.

-------------------

Dưới triều đại của hoàng đế Justinian I (527-565) - người trị vì đế quốc Đông La Mã (Byzantine) - một trong những đại dịch tồi tệ nhất đã xảy ra, cướp sinh mạng của hàng chục triệu người. Số người chết nhiều đến nỗi có những khi người ta phải đổ xuống biển hoặc để trên thuyền thả trôi ra đại dương...

Mời quý độc giả tìm hiểu thêm về đại dịch này trong phần cuối của loạt bài Những đại dịch reo rắc kinh hoàng cho nhân loại đăng vào 19h ngày 17/2/2020 trên mục Thế giới

Một phần ba dân châu Âu từng bị một loại vi khuẩn xóa sổ như thế nào?

Người dân đi qua các con đường phải dùng nước hoa để át đi mùi tử thi xuất hiện khắp nơi. Bệnh dịch giết những người...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem