Loạn cấp phép khai thác khoáng sản

Thứ năm, ngày 16/08/2012 07:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Từ năm 2007 đến tháng 7.2012, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.142 vụ.
Bình luận 0

Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.

Trên đây là những số liệu được trích dẫn từ Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15.8.

img
Chỉ 3 năm, các địa phương đã cấp gần 3.500 giấy phép khai thác khoáng sản.

Cũng theo báo cáo, đến nay, cả nước đã phát hiện trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đóng góp từ 10-11% GDP.

Tính đến ngày 1.7.2011 đã có 4.201 giấy phép khai thác khoáng sản các loại được cấp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước (trừ tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn chưa cấp phép khai thác khoáng sản), trong đó, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng là 3.436 giấy phép, chiếm 82,34%. Về thời hạn, số giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 71,78%; giấy phép có thời hạn từ 5-10 năm chiếm 10,31% và giấy phép có thời hạn từ 10-30 năm là 17,33%.

Không tăng mức phạt cho hành vi khai sai thuế

Cũng trong ngày 15.8, khi thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý thuế, UBTVQH không đồng tình với đề nghị tăng mức phạt cho hành vi khai sai thuế mà quyết định giữ nguyên mức phạt như quy định trong Dự thảo Luật. Trước đó, đã có đại biểu QH kiến nghị tăng mức xử phạt đối với hành vi kê khai sai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn trả (có thể tăng gấp 2-3 lần so với quy định của Dự thảo Luật); nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai lên 50%...

Tuy nhiên, trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT vẫn còn một số bất cập, trong số đó nổi bật là một số quy định của pháp luật về đất đai trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng chưa tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án thăm dò, khai thác khoáng sản.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng dẫn chứng: “Dự án khai thác khoáng sản thường được chuẩn bị từ nhiều năm trước, đến khi triển khai dự án và đền bù thì lại áp dụng theo khung giá từ lúc chuẩn bị dự án (thường chậm 4-5 năm), do vậy giá đất đền bù cho người dân thường thấp, gây bức xúc, thậm chí khiếu nại kéo dài”.

Ngoài ra, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều tồn tại. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10.2005 đến tháng 8.2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng T.Ư cấp trong 12 năm (478 giấy phép khai thác). Theo đó, tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem