Loạt bảo vật bằng đồng cực quý của vương quốc Chăm Pa
Loạt bảo vật bằng đồng cực quý của vương quốc Chăm Pa
Chủ nhật, ngày 29/05/2022 13:32 PM (GMT+7)
Tượng Phật Đồng Dương, tượng nữ thần Tara và tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn là ba cổ vật Chăm Pa bằng đồng cực quý, được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.
1. Được bảo quản và trưng bày ở Bào tàng Lịch sử TP HCM, Bảo vật quốc gia - tượng Phật Đồng Dương được nhà khảo cổ học Pháp Henri Parmentier phát hiện vào năm 1911 tại di chỉ khảo cổ Đồng Dương (nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Tượng được đúc bằng chất liệu đồng thau, nặng 120 kg với chiều cao 120 cm, chỗ rộng nhất 38 cm và chỗ dày nhất là 38 cm, tạo hình Đức Phật trong tư thế đứng như đang thuyết pháp (chuyển pháp luân). Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Theo các nhà nghiên cứu, tượng Phật Đồng Dương mang dấu ấn phong cách nghệ thuật Amaravati (tên một trung tâm nghệ thuật Phật giáo miền Nam Ấn Độ), mang đậm tính bản địa người Dravidian, được đánh giá là khuôn mẫu cho điêu khắc ở Sri Lanka và vùng Đông Nam Á. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Pho tượng được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ 8 – 9, liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chăm Pa phát triển hưng thịnh nhất. Đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
2. Được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo vật quốc gia - tượng nữ thần Tara cũng có nguồn gốc từ Phật viện Đồng Dương. Hiện vật được phát hiện vào năm 1978. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Tượng được đúc bằng đồng, cao 129,3 cm, thể hiện hình ảnh người phụ nữ ngực trần, toát lên một phong cách mỹ thuật rất phóng khoáng. Bầu ngực tượng nữ thần được thể hiện tròn căng đầy sức sống phồn thực, ẩn chứa mong muốn về một cuộc sống no đủ, bình yên và hạnh phúc. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Hai cánh tay của bức tượng được tạo dáng đang đưa về phía trước như đang nâng đỡ hai đồ vật, có thể là một vỏ ốc tù và ở bàn tay trái và đóa sen ở tay phải – những biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Chăm Pa. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Theo các nhà nghiên cứu, nữ thần Tara là một dạng Bồ tát Quan âm đặc biệt phát triển trong giáo phái Phật vùng Nam Hymalaya, nơi các bộ tộc nguyên thủy bản địa tôn sùng các lễ nghi phồn thực và đa phần sống theo chế độ mẫu hệ. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
3. Được phát hiện tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo vật quốc gia - tượng Avalokitesvara (Bồ Tát Quán Thế Âm) Hoài Nhơn có niên đại vào khoảng thế kỷ 8-9. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Tượng có chiều cao 64 cm, chiều ngang 25 cm, được thể hiện trong tư thế đứng, ngực nở eo thon, mang trang sức ở tai, cổ, bắp tay. Khuôn mặt tượng đầy đặn, đôi mắt mở, tóc búi cao có miện chạm hình Phật A Di Đà ngồi – dấu hiệu nhận biết đặc trưng của các bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Tượng có bốn tay, hai tay trước cầm nụ sen và bình nước cam lồ. Hai tay sau cầm tràng hạt và quyển sách. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn đã góp phần phản ánh sự phát triển của Phật giáo Chăm Pa hơn một thiên niên kỷ trước. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, chứng minh cho tài năng của các nghệ nhân Chăm thời kỳ này. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
Quốc Lê (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.