Loay hoay với chi tiêu khi không có thưởng Tết

Theo Lao động Chủ nhật, ngày 15/01/2023 06:46 AM (GMT+7)
Những gánh hàng rong của lao động tự do rao bán khoảng thời gian này càng nặng trĩu hơn bởi nỗi lo và hi vọng về một cái Tết tươm tất, tròn đầy.
Bình luận 0

Ngồi ngay trên vỉa hè đường Trần Quý Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) bà Nguyễn Thị Thủy (62 tuổi) nản lòng vì những ngày cận Tết, hàng hóa ế ẩm.

"Mấy ngày nay ế ẩm, ít khách mua hàng. Lãi không được mấy đồng, thế thì đủ ăn Tết làm sao được!", bà Thuỷ than.

Kể về cuộc đời mình, chính bà Thủy cũng tự xót xa. Bà không may trở thành người khuyết tật khi chỉ mới 15 tuổi. Một tai nạn lao động đã khiến sức khỏe của bà không được như những người bình thường khác.

Loay hoay với chi tiêu khi không có thưởng Tết - Ảnh 1.

Bà Thủy với sạp hoa quả trên đường Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Mỹ Linh.

Cho đến giờ, vết sẹo ấy vẫn in hằn trên cổ tay đã nhăn nhúm của bà. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, nhiều năm nay, bà Thủy vẫn cố gắng kiếm sống bằng gánh hàng hoa quả và hàng mã.

Bà đã có 5 người con, ba người con gái và hai người con trai đều đã trưởng thành. Hiện tại, các con bà đều đã có gia đình riêng. Không muốn phụ thuộc vào các con, bà Thủy túc tắc với gánh hàng rong hoa quả rao bán mỗi ngày. Gần đến Tết Nguyên đán, bà Thủy không trông chờ vào nhiều gánh hàng rong mà chỉ mong con cái trở về với bà, gia đình được sum họp.

"Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Miễn là tôi và gia đình khỏe mạnh. Vậy là vui vẻ rồi!", bà Thủy cười, nói.

Ở một góc khác cách đó không xa, bà Trần Thị Nhiên (57 tuổi) cũng lúi húi sắp xếp hàng rau củ đủ loại. Mỗi ngày, bà Nhiên bắt đầu công việc lúc 6h và ra về lúc 13h chiều. Thời gian còn lại, bà Nhiên dành để làm thêm một số việc lặt vặt khác, tính tiền theo giờ.

Cũng giống bà Thủy, bà Nhiên cũng là lao động chính trong nhà, nhưng tình hình bán hàng không khả quan, đặc biệt là trong những ngày cận Tết khiến bà không khỏi ngao ngán. "Những ngày này tôi cũng bán được nhiều hơn ngày thường nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Hôm bán được nhiều thì bù cho hôm bán được ít, mỗi ngày trung bình tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng, không hơn", bà Nhiên cho hay.

Loay hoay với chi tiêu khi không có thưởng Tết - Ảnh 2.

Bà Nhiên sẽ cố gắng bán hàng đến sáng ngày 30 Tết Âm lịch, gia tăng thu nhập. Ảnh: Mỹ Linh.

Là lao động tự do, không có lương càng không có thưởng, bà Nhiên cho biết sẽ cố gắng bán hàng đến sáng ngày 30 Tết Âm lịch.

"Cố thêm được ngày nào hay ngày ấy, bởi thêm một ngày làm việc là có thêm tiền. Gà nhà nuôi vài con, rau củ cũng sẵn có, ngoài tiền lì xì và mua thêm ít đồ sinh hoạt khác thì gia đình tôi cũng không phải lo toan thêm khoản nào", bà Nhiên cho hay.

Cuộc sống xa quê hương để kiếm sống cũng chật vật, khó khăn, bà Đinh Thị Mơ (42 tuổi) - lao động tự do làm phục vụ bàn trong một quán phở cũng phải loay hoay khi nghĩ đến các khoản chi tiêu dịp cận Tết.

Chồng bà Mơ làm bảo vệ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của vợ chồng bà cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống ở Thủ đô và đóng học phí cho cậu con trai đang học năm thứ 1 đại học.

"Tiền vé xe về quê mất khoảng 200.000 đồng. Hai vợ chồng là mất 600.000 đồng; các khoản còn lại như đồ cúng gia tiên, tiền lì xì... mất thêm khoảng 3-4 triệu đồng. Ngoài ra gia đình tôi cũng không đi chơi xuân, không mua quần áo sắm sửa gì nhiều nên chỉ cần từng đó tiền, chi tiêu chắt bóp hơn là đủ", bà Mơ bày tỏ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem