Khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều năm liền, người trồng mía luôn gặp cảnh được mùa mất giá, thu nhập của họ ngày càng giảm. Trong khi đó, diện tích cây ăn trái có chiều hướng tăng, từ 22.962ha (2010) lên 29.000ha (2014), tăng 20%.
Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, không riêng gì tỉnh Hậu Giang, nhiều tỉnh thành khác cũng có diện tích mía khá lớn nên xảy ra tình trạng cung vượt cầu, hơn nữa giá mía giảm cũng do tình trạng đường nhập khẩu nhiều, giá cũng rẻ hơn, tình trạng buôn lậu qua biên giới chưa được kiểm soát chặt.
Người dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát triển diện tích xoài. Ảnh: Huỳnh Xây
Ngoài cây mía, hiện tỉnh Hậu Giang cũng có một số loại nông sản được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí quy mô sản xuất đang thu hẹp lại, vì đầu ra không ổn định, giá cả luôn bấp bênh. Một số dự án nhỏ trong chương trình phát triển các nông sản chủ lực gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Long An, nhiều nông sản có thế mạnh của tỉnh được cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: Lúa 2,8 triệu tấn/năm; hoa quả 158.000 tấn/năm (trong đó, thanh long 78.000 tấn/năm; chanh 75.000 tấn/năm... Tuy nhiên, các hàng hóa nông sản của tỉnh chủ yếu vẫn tiêu thụ thông qua hệ thống thương lái, chiếm trên 87% lượng nông sản của tỉnh. Theo kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản của tỉnh từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn luôn tiếp diễn.
Còn nhiều thách thức
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù các tiểu vùng trong vùng ĐBSCL có những thế mạnh khác nhau đối với các loại nông sản, thế nhưng thực tế hầu hết các địa phương đều chọn cây lúa để phát triển. Điều này dẫn đến sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL tăng cao trong nhiều năm nay. Như tiểu vùng bán đảo Cà Mau – vùng giáp biển, khó khăn nhiều trong khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ... nhưng các địa phương vẫn chọn cây lúa làm sản phẩm chủ lực
|
Tương tự Long An, theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực trong tỉnh nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết. Chẳng hạn như cây lúa, việc tiêu thụ luôn gặp khó khăn vì nhiều hợp đồng tiêu thụ chưa được thực hiện (giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp chưa có sự tin tưởng, cảm thông). Hiện nay vẫn còn 80% sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh vẫn phải thông qua thương lái thu gom, giá cả bán ra luôn không ổn định. Nhiều HTX và nông dân vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chưa quan tâm ứng dựng kỹ thuật mới để giảm giá thành sản xuất. Doanh nghiệp tham gia đầu tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) nhiều nhưng lại thiếu doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, tuy Bến Tre có lợi thế sản xuất dừa, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng, nhãn, chôm chôm… nhưng các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ có điều kiện tự nhiên tương tự, cũng đang sản xuất những sản phẩm trên với sản lượng lớn và bán với giá cạnh tranh hơn. Ngoài ra, nông sản Bến Tre còn đang đối mặt nhiều thách thức như sức mua giảm, giá cả biến động thường xuyên, chất lượng hàng hoá không ổn định, không đồng đều. Tình trạng nông dân tự phát sản xuất các loại nông sản khác không theo quy hoạch, chưa gắn với nhu cầu thị trường đã làm cho nhu cầu thị trường mất cân đối.
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau nhận định, việc liên kết hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Cà Mau thời gian qua được chú trọng phát triển nhưng kết quả đạt được chưa cao và đang gặp nhiều khó khăn. “Khi lập quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, mỗi địa phương xây dựng trên cơ sở đặc thù và lợi ích riêng, chưa tham khảo quy hoạch lẫn nhau. Ngoài ra, tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch vẫn còn diễn ra nhiều nơi” – ông Tranh thông tin.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, con tôm và cây lúa là sản phẩm chủ lực của tỉnh và của tiểu vùng Bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, do hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đảm bảo đồng bộ, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa sâu nên hiệu quả chưa cao và thiếu tính bền vững. Tình trạng tranh chấp giữa 2 hệ sinh thái mặn - ngọt đang diễn ra. Ngoài ra, do thiếu tính liên kết nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý chất lượng nông sản gặp nhiều khó khăn đã khiến cho người dân luôn lâm vào cảnh được mùa, mất giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.