Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương chia sẻ thẳng thắn với phóng viên NTNN xung quanh việc việc nhận diện và xử lý “lợi ích nhóm”.
|
Nhóm lợi ích đã và đang chi phối làm biến dạng những hoạch định, chính sách của đất nước. |
Thưa ông, cụm từ “lợi ích nhóm” đã được đề cập trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việc Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ bộ mặt “lợi ích nhóm” cho thấy điều gì?
- Tôi thấy đây là một điều đáng mừng khi Tổng Bí thư và Đảng ta đã thấy rõ được bộ mặt của nhóm lợi ích. Từ khi ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới và gần hơn nữa là khi bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì càng ngày, biểu hiện của “lợi ích nhóm” càng rõ nét hơn.
Chúng ta đều biết, “lợi ích nhóm” thực ra là sự câu kết của những cán bộ đương chức thoái hoá biến chất với những kẻ lợi dụng những người này để có được những chính sách có lợi cho mình. Đơn giản thì chỉ cần một chữ ký, một cái thư tay để thuận tiện trong việc cấp đất, cấp dự án cũng sẽ đem lại những lợi ích vô cùng lớn, nhưng không phải cho nhân dân mà cho một nhóm nhỏ.
Nói chung, “lợi ích nhóm” có nhiều cách biểu hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng không khó để nhận ra. Cái khó là có dám đương đầu, đấu tranh với nó hay không bởi càng để lâu nó càng nguy hiểm.
Vậy theo ông, cách nào để triệt tiêu “lợi ích nhóm”?
- Theo tôi, trước tiên bằng mọi cách phải xoá bỏ được cơ chế xin – cho, minh bạch, công khai hoá mọi vấn đề thì mới chống được “lợi ích nhóm”, chống được tham nhũng. Ngoài ra, chúng ta phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ. Nhân tố con người vẫn quyết định tất cả.
Theo tôi, chúng ta phải có một bộ tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, trước hết, phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn: Thứ nhất phải có tầm nhìn, năng lực. Thứ hai, phải có khả năng tổ chức triển khai. Thứ ba là phải hết sức gương mẫu. Cứ nhìn vào công tác kê khai tài sản của mình thời gian qua thì thấy, lãnh đạo có ai gương mẫu đâu, có ai kê khai đúng không và có ai kiểm tra được tài sản thực của các cán bộ, đảng viên là lãnh đạo không. Các ông đó đã không gương mẫu thì làm sao cấp dưới theo được.
Ông nguyên là một người làm tổ chức lâu năm của Đảng. Thời ông, công tác cán bộ được chú ý ra sao, có biểu hiện của cơ chế xin – cho không?
- Tôi đã nói rồi, công tác cán bộ là hàng đầu. Có làm tốt công tác này mới có thể triệt tiêu được được “lợi ích nhóm”. Nắm cán bộ không tốt, bản thân người làm tổ chức không trong sáng thì chết ngay. Nó “chạy” cả anh nữa thì làm sao mà anh có thể làm tốt được.
Hồi ông Linh (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - PV) là nghiêm lắm. Cán bộ chỉ có đổi nhà thôi mà ông cũng cho nghỉ luôn, đi xe sang là cảnh cáo luôn. Có vị cựu bộ trưởng cầm hộ hai tút thuốc lá từ nước ngoài về cũng bị cảnh cáo ở T.Ư. Kể cả ông thủ trưởng của tớ (ông Lê Đức Thọ - cố Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư – PV) cũng nghiêm. Ai đi nước ngoài về, tất cả tặng phẩm đều phải báo cáo hết cho thủ trưởng biết. Cái gì tình cảm thì cầm được, cái gì có giá trị thì phải gửi trả lại.
Ông Thọ muốn làm nghiêm với cấp dưới thì ông ấy phải nghiêm với mình trước. Nhà ông cũ quá, Ban Tài chính - Quản trị T.Ư muốn quét sơn lại, cũng phải “rình” lúc ông đi vắng mới dám làm, chứ ông mà ở nhà thì không bao giờ làm được.
“Lợi ích nhóm” thực ra là sự câu kết của những cán bộ đương chức thoái hoá biến chất với những kẻ lợi dụng những người này để có được những chính sách có lợi cho mình ”.
Ông Nguyễn Đình Hương
Đảng ta là Đảng cầm quyền và duy nhất. Nhiều ý kiến cho rằng phải đặt vấn đề giám sát quyền lực của Đảng để tránh lạm quyền bởi theo nguyên lý chính trị, “người cầm quyền luôn có xu hướng lạm quyền”. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi thấy hiện giờ đang có một lỗ hổng lớn trong vấn đề này. Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì mới kiểm tra việc chấp hành điều lệ Đảng của Ban Chấp hành T.Ư. Thế còn cơ quan nào giám sát, phản biện các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư? Theo tôi, nên có Ủy ban giám sát do Đại hội Đảng bầu, có quyền xem xét lại những quyết định của các đơn vị này. Trước đây mình có chế độ cố vấn, nhưng Ủy ban giám sát này phải mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn và sát sao hơn, gồm cả người đương chức, người về hưu, có trẻ có già. Có sự giám sát chéo một cách chặt chẽ thì quyền lực của Đảng sẽ được phát huy đúng hướng.
Qua hai quyết định tái thành lập lại Ban Kinh tế T.Ư và Ban Nội chính T.Ư, ông thấy gì?
- Rõ ràng, Đảng ta đã nhận ra việc sáp nhập, hợp nhất trước đây là sai. Trước đây, mình làm tổ chức không bài bản, ngẫu hứng. Thời đó tư duy là tinh giản, thu gọn bộ máy của Đảng nên nhập Ban Kinh tế, Ban Tài chính - Quản trị và Ban Nội chính T.Ư vào Văn phòng T.Ư Đảng. Thành ra, Văn phòng T.Ư Đảng có tới 11 ông phó văn phòng, các Ban trở thành một vụ của Văn phòng. Hồi đó cũng nhiều người phản đối, trong đó có tôi. Văn phòng chỉ làm tổng hợp chung, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều hành công việc chứ không có chức năng tham mưu như các ban trong các lĩnh vực quan trọng như vậy. Bỏ Ban Kinh tế đi nên Đảng mất đi sự giám sát, phản biện với Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này, mất đi tai mắt, mất đi những tham mưu tư vấn quan trọng đối với các chính sách, chiến lược hoạch định nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.