Ngày 16/5, phóng viên Dân Việt có mặt tại Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) để trò chuyện với người thân và các ngư dân trong vụ ngộ độc khí trong hầm tàu cá.
Ngư dân Đinh Đôn (SN 1990) được y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cấp cứu kịp thời.
Nạn nhân Nguyễn Thành Linh (SN 1975, trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nhớ lại: “Khoảng 13h hôm qua (15/5), chúng tôi thuê người dân ở gần Cảng cá sông Gianh đến bốc cá trong hầm. Người đầu tiên nhảy xuống hầm cá đã ngất xỉu dưới hầm luôn. Thấy vậy, tôi cùng 3 người nữa nhảy xuống để cứu lên nhưng xuống được mấy giây, tôi cũng ngất đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình ở trong viện. Sức khỏe tôi hồi phục nhanh hơn anh em nhưng trong người vẫn còn rất mệt”.
Người nhà các ngư dân trao đổi thêm thông tin với phóng viên.
Còn anh Đinh Đôn (SN 1990, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Thời điểm đó, nhiệt độ ngoài trời khoảng 38 độ C, tôi phát hiện mấy người bốc cá dưới hầm cá ngấy xỉu. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cứu người là trên hết nên nhảy vội xuống để kéo các anh bên dưới lên. Tôi chỉ nhớ trong hầm cá rất nặng mùi hôi thối và sau đó, tôi cũng ngất đi. Tới lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm đây”.
Trước đó, ngày 15.5, khi cập cảng để bốc cá, tàu mang số hiệu QNG 97587 TS (tàu thuộc tỉnh Quảng Ngãi) với một số thuyền viên sau chuyến đi đánh cá trên biển về đã bị ngạt khí khi xuống hầm cá khiến một ngư dân tử vong và 4 ngư dân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Loại khí mà các ngư dân bị ngạt khi xuống hầm cá có thể là khí metan, lưu huỳnh hoặc xyanua. Các khí độc này tích tụ trong hầm cá, do cá bị phân hủy, lúc tàu cập cảng, hầm chứa cá bị thiếu đá ướp lạnh. Nếu như người bị ngạt không được phát hiện, cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.