“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” 70 năm vẹn nguyên tính thời sự

Thành An Thứ hai, ngày 11/06/2018 11:38 AM (GMT+7)
70 năm (11.6.1948 - 11.6.2018), đã trôi qua nhưng âm hưởng của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, hiện hữu, giá trị sâu sắc, lan tỏa, được các thế hệ sau vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử, với phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và thành tựu nổi bật của hơn 30 năm đổi mới hiện nay.
Bình luận 0

70 năm trước (11.6.1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Lời kêu gọi thi đua ái quốc để lại cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm hết sức bổ ích trong mọi mặt trận tư tưởng, văn hóa, giáo dục, đời sống, trong công tác vận động quần chúng nhân dân và là văn kiện mẫu mực về thực hành tuyên truyền sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, đi sâu, thấm nhuần vào tư tưởng của các tầng lớp nhân dân trong cả nước tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

70 năm vẫn vẹn nguyên tính thời sự

70 năm (11.6.1948 - 11.6.2018), đã trôi qua nhưng âm hưởng của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, hiện hữu, giá trị sâu sắc, lan tỏa, được các thế hệ sau vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử, với phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và thành tựu nổi bật của hơn 30 năm đổi mới hiện nay.

img

Bút tích “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bài báo (năm 1948)

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương cách lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc. 70 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện, phát triển trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng ta, nhân lên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa yêu nước không nên chỉ là một báu vật được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta là làm cho những báu vật đó được đưa ra trưng bày, nghĩa là phải có sức lan truyền, khơi dậy, tổ chức lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước ấy của tất cả mọi người được thực hành vào công việc yêu nước. Bởi vậy, yêu nước trở thành mục tiêu, là động lực mạnh mẽ và lý tưởng nhân văn sâu sắc của thi đua. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

img

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng -  Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Theo đó, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về thi đua yêu nước phù hợp với thực tiễn mới, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam trong thời kỳ mới”.

"Sau khi phát động phong trào thi đua, Bác là người theo dõi chặt chẽ, quan tâm đến cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo thi đua, chứ không chỉ là lời kêu gọi chung chung. Bác đã mời ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó là Cục trưởng Cục thông tin, Bộ Quốc phòng sang làm Trưởng Ban thi đua đầu tiên. Từ đó, công tác tổ chức thi đua rất chặt chẽ. Và vào năm 1952 trong điều kiện kháng chiến ác liệt, nhưng chúng ta đã tổ chức được Đại hội thi đua yêu nước đầu tiên, tuyên gương các anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu. Sau này cũng nền nếp đó, có thể không tổ chức được Đại hội, nhưng Ban thi đua vẫn đề xuất lên Bác để khen thưởng các tấm gương tiêu biểu. Qua đó cho thấy ngay từ đầu, thi đua đã gắn với khen thưởng. Như Bác đã nêu “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng lúc là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua" - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc

Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị sau 70 năm ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mục tiêu của thi đua ái quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất cụ thể và rõ ràng, không chỉ đúng cho 70 năm về trước mà đang rất đúng, rất cần thiết phải tiếp tục thi đua với mục tiêu đó trong giai đoạn hiện nay. Thi đua để “diệt nguy cơ tụt hậu”, thi đua để đưa Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và để “sánh vai với các cường quốc năm châu” vẫn rất cần và cần hơn bao giờ hết.

Tinh thần thi đua yêu nước góp sức tạo nên thành tựu 30 năm đổi mới

PGS.TS Lê Quốc Lý nhận định, 70 năm qua đi, hơn 30 năm đổi mới, dân trí của Việt Nam đã được nâng cao, đại đa số người dân đều được học hành, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Tuy nhiên, so với thực tiễn, hội nhập và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì dân trí Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn và làm. Người dân chúng ta phải nỗ lực học tập, đẩy mạnh cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo, cần đưa các dịch vụ công vào cuộc sống sớm như công nghệ số, thanh toán bằng thẻ, Internet vạn vật…

img

70 năm qua đi, hơn 30 năm đổi mới, dân trí của Việt Nam đã được nâng cao, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Ảnh: T.A

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đang thúc giục thế hệ người Việt Nam hôm nay hãy mang trong mình một khát vọng thoát nghèo, khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên chinh phục thế giới, làm cho đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực sự trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mặc dù đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nhưng với thu nhập bình quân chỉ mới đạt 2.400 USD/người năm 2017 là mức thu nhập còn rất nhỏ bé so với thế giới. Do đó, mục tiêu thi đua "diệt giặc đói" vẫn còn nguyên giá trị và rất cần phải thi đua hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. "Có lẽ bây giờ không còn phải thi đua để diệt đói khổ, nhưng mà phải thi đua để diệt giặc nghèo và thi đua để làm giàu cho đất nước"- PGS.TS Lê Quốc Lý nói.

img

Nông dân Hải Hưng (nay là Hải Dương) báo cáo kết quả sản xuất với Bác năm 1958

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong - giảng viên cao cấp Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trị xuyên suốt, giá trị cốt lõi của "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" chính là chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc trong sự nghiệp chống xâm lược. Có thể khẳng định, thắng lợi của cách mạng Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn cốt cơ bản đó chính là tinh thần, khí thế, cảm hứng thi đua yêu nước của Bác Hồ.

PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, giá trị cốt lõi trên không chỉ có ý nghĩa với công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự chủ cho dân tộc mà hiện nay đã trở thành triết lý nhân văn, hành động đúng đắn, thiết thực.  “Những thành công trong đổi mới hôm nay là nhờ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc… Sự thể hiện rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới, là sự chỉ dẫn quan trọng đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay”- PGS.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11.6.1948 – 11.6.2018), ngày 8.6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay”. 

Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, chỉ khoảng hơn 400 từ, song đó là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc. Những nội dung này được trình bày hết sức logic, khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc thực sự là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là sự thể hiện rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem