Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) thông báo, ngày 22/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng), tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/8.
Với 391,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi khoảng 782,7 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 24/9.
Trong đợt chia cổ tức này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể nhận về gần 466 tỷ đồng nhờ nắm 59,59% vốn.
Những năm gần đây, Đạm Phú Mỹ thường trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, năm 2022 là 70%, năm 2021 là 50%.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.255 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 26% lên 1.146,6 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 16%. Theo Đạm Phú Mỹ, việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí góp phần giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp so với mức 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đạm Phú Mỹ đạt lãi trước thuế 578,4 tỷ đồng, và lãi sau thuế 503,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 37% so với năm trước.
Mục tiêu năm 2024 của Đạm Phú Mỹ là tổng doanh thu hợp nhất 12.755 tỷ đồng, giảm 9% so với năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế 542 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 570 tỷ đồng năm 2023. Công ty dự kiến đóng góp 263 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Với kết quả nửa đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành 93% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tình hình tài chính tiếp tục được duy trì lành mạnh với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 9.700 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng tài sản, tăng 46% so với đầu năm. Không chỉ có sẵn lượng tiền lớn, trong cơ cấu nguồn vốn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại Đạm Phú Mỹ cũng đang đóng góp tỷ trọng lớn với giá trị tại thời điểm 31/12/2023 là 3.268 tỷ đồng.
Tính đến hết quý II/2024, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ đạt hơn 15.700 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng lên 12.000 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn hạn ở mức thấp 1.682 tỷ đồng.
Trong 6 tháng qua, giá phân đạm ure có xu hướng hồi phục sau khi chạm đáy vào quý II/2023. Sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu, cùng với việc một số nhà máy phải cắt giảm công suất do bảo trì và thiếu hụt nguồn khí.
Giá ure 6 tháng qua đã tăng nhẹ so với giá trung bình năm 2023 nhưng vẫn ở mức hợp lý. Giá phân bón ổn định nên nông dân có thể đầu tư tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, lượng tiêu thụ phân ure của Đạm Phú Mỹ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đạt 501 ngàn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Với việc giá bán ure và sản lượng tiêu thụ ure tăng nhẹ, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đã tăng hơn.
Cùng với ure, sản lượng kinh doanh phân bón NPK trong 6 tháng đầu năm đạt 87 ngàn tấn, hoàn thành 61% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, tiêu thụ NPK sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ các yếu tố như giá bán giảm thúc đẩy sức mua, tiềm năng tăng trưởng thị phần ở phân khúc NPK chất lượng cao và nhà máy NPK Phú Mỹ của Đạm Phú Mỹ sẽ vận hành với công suất cao.
Đồng thời, giá các loại nguyên liệu đầu vào giảm cũng góp phần cải thiện lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ. Ngoài ra, giá bán nông sản hiện đang cao, thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng đang tạo thuận lợi cho nông dân tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, vì vậy sẽ góp phần làm tăng nhu cầu phân bón cho sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, trong nửa cuối năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Phú Mỹ vẫn đối mặt với áp lực tỷ giá, làm ảnh hưởng đến giá mua nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất, hàng hóa…
Trong 6 tháng cuối năm, Đạm Phú Mỹ dự kiến cung ứng trên 650.000 tấn phân bón và hóa chất, tiếp tục phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường quốc tế nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Để hoàn thành kế hoạch cả năm 2024, Đạm Phú Mỹ tiếp tục vận hành các nhà máy sản xuất phân bón hiệu quả, an toàn và ổn định; ưu tiên hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đạm Phú Mỹ cũng tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thị trường, tăng cường dự báo để có quyết định kinh doanh tối ưu. Cùng đó, Đạm Phú Mỹ cũng xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phân phối để phù hợp với bối cảnh thị trường.
Ngoài ra, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines nhằm giảm áp lực dư cung từ thị trường nội địa trong giai đoạn thấp điểm mùa vụ.
Hiện Đạm Phú Mỹ chiếm 38% thị phần tiêu thụ ure trong nước, 11% thị phần NPK và /25% thị phần NH3.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong nửa cuối năm, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu thận trọng với sản lượng ure tiêu thụ khoảng 409.000 tấn (tăng 3% so với cùng kỳ nhưng giảm 18% so với nửa đầu năm).
Sản lượng NPK là 55.000 tấn (giảm 18% so với cùng kỳ và giảm 37% so với nửa đầu năm). Phân bón nhập khẩu là 127.000 tấn (giảm 18% so với cùng kỳ nhưng tăng 13% so với nửa đầu năm).
Theo Đạm Phú Mỹ, công ty đặt kế hoạch thận trọng do lo ngại các vấn đề về thời tiết và biến động giá nông sản ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón, đồng thời nửa cuối năm cũng là mùa thấp điểm hơn so với giai đoạn đầu năm.
Công ty cho biết đang có kế hoạch công suất nhà máy NPK lên gấp đôi mức hiện tại, tương đương 500.000 tấn/năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DPM ngày 12/8 ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 7% so với thời điểm đầu năm 2024. Quy mô vốn hoá thị trường hiện vượt mức 14.100 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.