Hàng năm, cứ mỗi kỳ nghỉ hè cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm (SN 1976, giáo viên Trường TH&THCS Tân Nguyên, huyện Yên Bình, Yên Bái) lại miệt mài với những lớp học phụ đạo cho các em học sinh của mình.
Lớp học của cô là những em học sinh chuẩn bị lên lớp 1, lớp 2, các em chậm tiến. Thậm chí, những trẻ khuyết tật cũng được cô Tâm tận tình hướng dẫn, bồi đắp bằng tất cả tình thương yêu, sự nhẫn nại của mình.
Với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu”, cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm là một giáo viên luôn tận tâm và đầy sáng tạo với nghề. Cô Tâm cũng là người luôn tìm tòi học hỏi để nâng cao nghiệp vụ sư phạm.
Những lớp học không thu phí. Nhưng bù lại, đáp đền sự tận tụy của cô, nhiều phụ huynh thi thoảng hỗ trợ cho con cá, mớ rau hay vài cân gạo.
“Có nhiều khi, đi xát gạo phụ huynh người ta không lấy tiền, như vậy là mình đã thấy rất vui rồi”, cô Tâm chia sẻ.
Với tinh thần ham học hỏi, cô tiếp thu rất nhanh những phương pháp dạy học mới. Cô luôn xây dựng kế hoạch bài dạy một cách linh hoạt, lồng ghép khéo léo các nội dung kiến thức với những hình ảnh sinh động, hấp dẫn... Thậm chí tự mày mò, hoặc học hỏi từ các bạn đồng nghiệp ở các trường lân cận.
Nhờ vận dụng phương pháp, hình thức học tập tích cực, hiệu quả mà mỗi giờ lên lớp của cô luôn trôi qua nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh vô cùng hào hứng thích thú, từ đó khắc sâu kiến thức một cách có hệ thống.
Các em học sinh đã từng học cô giáo Tâm rất ấn tượng về một cô giáo có giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và cách dạy luôn luôn hài hước, dí dỏm.
Chia sẻ về mình, cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm bày tỏ: “Mình luôn tâm niệm, tất cả vì học trò của mình là chính, cũng không thể dạy học nếu thiếu nhiệt huyết. Nhiệt huyết có lẽ chính là ngọn lửa để thắp sáng lên sự mày mò tự học của mình, cái tâm của mỗi người thầy khi đứng trước bục giảng”.
Không chỉ mang đến cho các em kiến thức, cô còn quan tâm đến tâm lý, đặc điểm của từng em để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp. Chính vì điều đó, mà trong suốt quá trình công tác tại trường cô Ngô Thị Thanh Tâm luôn được sự ủng hộ và tín nhiệm của đồng nghiệp, sự kính trọng và lòng tin yêu của phụ huynh và các em học sinh.
Xã Tân Nguyên có 70% là đồng bào dân tộc Tày và Nùng sinh sống. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để mưu sinh nhiều người dân trong xã phải đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh hoặc mãi tận miền Nam. Các con nhỏ phải gửi lại cho ông bà, người thân chăm sóc.
Nhiều em nhỏ nhà ở xa trường, ông bà đã già yếu không đưa rước được hàng ngày nên việc học hành buổi được, buổi không. Tỷ lệ chuyên cần của các lớp cũng theo đó mà bị ảnh hưởng.
Chứng kiến cảnh các đồng nghiệp chạy đôn chạy đáo vận động học sinh ra lớp, rồi lại đau đầu tìm hướng giải quyết lâu dài để các em học sinh không đi học đứt buổi. Không mảy may suy nghĩ, cô giáo Thanh Tâm tình nguyện đứng ra nhận nuôi các em nhỏ nhà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở xa trường, bố mẹ đi làm ăn xa.
Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng dễ gì làm được. Bởi các em còn khá nhỏ, đa phần chưa thể tự chăm sóc cho bản thân.
Những buổi học phụ đạo cho học trò của mình không ngơi nghỉ, trong khi đáng ra thời gian đó cô giáo dành thời gian cho riêng mình thì cô lại hết lòng với học sinh.
Phần thưởng lớn của cô chính là sự phát triển, nhận thức kiến thức tốt lên từng ngày của học trò mình.
Sự cần mẫn chăm sóc, nuôi dạy cho những đứa trẻ nghèo của cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm đã viết nên câu chuyện đẹp đầy cảm động về tình cô trò, tình mẫu tử thiêng liêng.
Hình ảnh, việc làm của cô giáo Thanh Tâm là tấm gương sáng bình dị mà cao quý của người giáo viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.