Lớp học tình thương của người bán bánh mì

Thứ năm, ngày 16/06/2022 06:41 AM (GMT+7)
Khi mới 18 tuổi, thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ trong khu phố nghèo, anh Huỳnh Quang Khải mở một lớp học dạy chữ cho các em. Nằm khuất sâu trong một xóm nhỏ ở phường Hiệp Thành, Quận 12 (TPHCM), lớp học tình thương Ngọc Việt đã có 14 năm hoạt động.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV, anh Huỳnh Quang Khải (32 tuổi, ngụ tại Quận 12) cho biết, bản thân anh vốn mồ côi cha và có một tuổi thơ cơ cực. Năm 2008, anh Khải nhận thấy trong khu phố mình sinh sống có nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ, cũng không có điều kiện đến trường. Đồng cảm với những khó khăn ấy, anh Khải nảy ra ý định mở lớp, mua dụng cụ học tập hỗ trợ các em xung quanh nơi anh sống biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản… với chi phí 0 đồng. Đến nay, lớp học của anh Khải đã hoạt động 14 năm tại phường Hiệp Thành, Quận 12.

Lớp học của “thầy Khải” dần được nhiều người lao động ở địa phương biết đến. “Vì gia đình lao động có hoàn cảnh khó khăn nên cháu tôi đã lớn vẫn chưa đi học. Cháu tôi có bạn cũng học ở lớp của thầy Khải, vậy là về xin bà cho cháu theo học ở đây. Nay tôi gửi, thầy nhận luôn nên tôi vui lắm. Chỉ mong cháu biết chữ, biết viết tên của mình”, bà Nguyễn Thị Hạnh (Quận 12) chia sẻ.

Tại lớp học này, phần đông các em là con, em người lao động nghèo từ quê lên TPHCM mưu sinh. Theo anh Khải, hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải lao động kiếm sống (bán vé số,...), quá độ tuổi được học chính quy. Ngoài những trường hợp trên, lớp còn có khoảng 10% là các em có bệnh về não, chậm phát triển, 5% các em bị bệnh tổn thương về mắt, 5% còn lại là các em không có hồ sơ tùy thân…

Anh Khải cho biết ngoài công việc bán bánh mì mỗi buổi sáng hàng ngày, thời gian rảnh anh có đi hát phòng trà kiếm thêm thu nhập để mua dụng cụ học tập cho các em. Ngoài ra, lớp học còn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức đoàn thể địa phương.

Lớp học tình thương của người bán bánh mì - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Quang Khải đã có 14 năm đồng hành với trẻ em nghèo

“Lớp học bắt đầu từ 18h30 đến 21h từ thứ 2 đến thứ 7. Trước giờ vào học các em sẽ tập trung tại lớp lúc 17h để cùng nhau ăn tối. Tôi chuẩn bị cháo, mì gói sữa để hỗ trợ thêm bữa ăn cho các em, việc này tôi đã duy trì từ lúc mở lớp đến bây giờ, tất cả đều miễn phí”, anh Khải chia sẻ.

“Mong cuộc sống các em sẽ thay đổi theo hướng tốt”

Theo học lớp thầy Khải được 3 năm, em Đỗ Quang Hiếu (12 tuổi) cho biết, buổi sáng em theo phụ thầy Khải làm bánh mì chả cá. Buổi tối em tranh thủ đến lớp để học chữ, học tính toán. “Con mơ ước tương lai con có thể mở quán cà phê của riêng mình”, em Hiếu tâm sự.

Chia sẻ thêm về lớp học, anh Khải cho biết, khó khăn nhất lại là phụ huynh. Bởi hầu hết khi các em biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính cơ bản thì phụ huynh lại thôi thúc nghỉ học để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Cũng theo anh Khải, lớp học của anh ngoài dạy các em biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản ra, anh còn dạy các em những bài học vỡ lòng về đạo đức, cách sống, kỹ năng ứng xử, bảo vệ bản thân.

“Thấu hiểu được áp lực cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai của phụ huynh, mặc dầu biết khó nhưng vì mong mỏi tương lai của các em sẽ được thay đổi, tôi phải nói chuyện, thuyết phục các bậc phụ huynh cho những đứa trẻ được đến lớp học. Tôi đặt hết mọi tâm huyết vào các bé với mong muốn sau này lớn lên cuộc sống các bé sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn”, anh Khải cho biết.

Hữu Huy (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem