Lũ chồng lũ: Hàng chục xã bị nước nhấn chìm

Thứ ba, ngày 08/11/2011 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung hứng chịu những cơn mưa như trút, có nơi lượng mưa đến 800mm. Đã vậy, các hồ thủy điện lại đồng loạt xả lũ khiến nước sông lên cao gây ngập hàng nghìn gia đình.
Bình luận 0

Cả huyện bị cô lập hoàn toàn

Ngày 7.11, do mưa lớn và Thuỷ điện Sông Tranh 2 xả lũ (có lúc lên đến 4.118m3/s) đã cho nước sông lên cao gây ngập lụt nhiều nơi ở huyện Nông Sơn (Quảng Nam). 7 giờ cùng ngày, nước lũ gây ngập ngã ba Cầu Muồng (xã Quế Trung) đến chợ Thơm (xã Quế Lộc).

img
Do nhiều khu dân cư bị chia cắt, người dân TP.Quy Nhơn và huyện Tuy Phước (Bình Định) phải dùng thuyền nhỏ đi lại trong lũ rất nguy hiểm.

Nhiều đoạn đường thuộc tuyến ĐT 611 bị ngập từ 2- 4m; tuyến đường ĐT610 huyện Duy Xuyên đi Nông Sơn cũng ngập sâu trong nước; tuyến đường ĐT 611 đoạn Đèo Le nhiều vị trí bị sạt lở trên 100m3 đất đá; các tuyến đường liên xã cũng bị ngập sâu trên 2m nước...

Huyện Nông Sơn đã bị cô lập hoàn toàn. Ngày 7.11 cũng là ngày thứ 10, Trường THCS Quế Ninh của huyện này nghỉ dạy và học. Ngày này hầu hết các trường trên địa bàn đều đóng cửa.

Do mưa lớn kéo dài, huyện Nông Sơn có trên 1.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ. Đến chiều cùng ngày, huyện này sơ tán khẩn cấp 1.200 hộ dân ở các xã Quế Ninh, Quế Trung, Quế Lộc, Phước Ninh, Quế Lâm… ra khỏi những nơi nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đến trú ẩn tạm trong các trụ sở UBND xã, trường học…

Cũng tại Quảng Nam, một loạt địa bàn ở huyện Bắc Trà My và Nam Trà My vẫn tiếp tục bị cô lập do nước lũ và sạt núi. Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Trà My, Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xả lũ cả 6 cửa xả (lưu lượng xả 2.800m3/s) làm nước hạ du sông Tranh dâng cao.

Mực nước lũ băng qua ngầm sông Trường cao hơn 3m làm tuyến đường độc đạo lên 5 xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và lên huyện Nam Trà My hoàn toàn bị cắt đứt. Trước mắt, những hộ dân bị hư hỏng nhà, huyện hỗ trợ mỗi hộ 30kg gạo để có cái ăn trong lúc di dời đến nơi ở tạm.

Đến thời điểm này, tại Quảng Nam có thêm một cháu trai bị chết do lũ. Đó là cháu Đoàn Minh Huân (SN 2005, trú thôn Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn).

Theo ghi nhận, tại Quảng Nam, từ ngày 15.10 đến ngày 7.11 đã có 14 người chết do lũ, trong đó có 10 trẻ em và 4 người lớn.

Lũ chồng lũ, dân điêu đứng

Đến ngày 7.11, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, trong đó lượng mưa tại huyện miền núi Nam Đông có nơi lên đến gần 800mm. Mưa lớn và nước từ thượng nguồn đổ về mạnh gây ra tình trạng lũ chồng lên lũ.

Tối 6.11, lũ trên các sông xuống dưới mức báo động 2 thì ngày 7.11 lũ dâng nhanh trở lại, các sông đều đạt và vượt báo động 3. Đến chiều 7.11, hầu hết các tuyến đường ở TP.Huế, nhất là khu vực nội thành, bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m. Hàng nghìn hộ dân thành phố chưa kịp dọn dẹp sau đợt trước thì nay nhà cửa lại bị lũ nhấn chìm từ 0,5-1m, cuộc sống đảo lộn.

Tại các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền…, hàng chục xã bị nước lũ nhấn chìm từ 0,5-1,5m, nên bị cô lập hoàn toàn. Hàng nghìn hộ dân bị nước lũ ngập sâu, phải di tản sang những nhà cao hơn, hoặc phải sống chui rúc trên sàn nhà trong khi nước lũ ngày càng dâng cao. Các tuyến tỉnh lộ 8A, 8B, tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 17… qua địa phận các huyện bị nước lũ ngập sâu từ 1-2m, nước lũ chảy xiết.

Tại xã Hương Vinh (huyện Hương Trà), đến chiều tối 7.11, lượng lớn hộ dân đã bị nước tràn vào nhà, các tuyến đường bị ngập sâu. Ông Nguyễn Văn Bổn - Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nước lũ chỉ cần dâng thêm 20 cm nữa là 80% số hộ dân trên địa bàn bị nhấn chìm.

Sáng ngày 7.11, tại vị trí cách cầu số 1 của hồ chứa nước Tả Trạch khoảng 100m về phía thượng lưu có một sà lan khai thác cát dài 30m bị trôi và lật úp. Nước trên sông Tả Trạch dâng cao nên sà lan đe dọa trực tiếp đến an toàn của cầu thi công số 1 và các công trình hạ du. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải huy động lực lượng công binh Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đục thông khí ở các khoang đáy của hồ chứa mới xử lý được sự cố.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến chiều tối 7.11, toàn tỉnh có hơn 4.000 nhà dân bị ngập, trong đó huyện Hương Trà 820 nhà, Quảng Điền 450 nhà, TP. Huế 2.800 nhà. Toàn tỉnh có 130ha lúa bị ngập, đổ ngã. Do trên địa bàn tiếp tục có mưa lớn nên nước sông sẽ tiếp tục dâng cao vào tối 7.11.

Long An: Nước lũ dâng trở lại

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Long An, mực nước lũ đo được tại các trạm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vào lúc 7 giờ sáng ngày 7.11 là: Vĩnh Hưng - 3,12m; Mộc Hóa - 2,61m. So với ngày hôm trước, mực nước lũ tại 2 nơi trên đã tăng trở lại 3 - 4cm. Như vậy sau nhiều ngày giảm khoảng 5cm/ngày, mực nước lũ tại vùng Đồng Tháp Mười đang tăng trở lại. Nguyên nhân do những ngày qua liên tục có mưa lớn tại khu vực, cùng lúc với đợt triều cường rằm tháng 10 âm lịch đang đến.

Nhiều trường đóng cửa chạy lũ

Mưa lũ đã gây tắc đường ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Phú Yên. Nhiều trường ở các xã trũng thấp của tỉnh này, như An Thạch, An Định, An Cư... (huyện Tuy An) phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Ngược lại, tại Quảng Ngãi, miền núi là nơi học sinh nghỉ học đầu tiên do mưa to, tắc đường và nguy cơ lũ quét. Phòng GDĐT huyện miền núi Sơn Tây của tỉnh này đã cho 20 điểm trường tiểu học, THCS trên địa bàn ngừng dạy học từ ngày 6.11.

Các huyện miền núi khác của tỉnh, như Sơn Hà, Tây Trà, Minh Long... cũng cho học sinh nghỉ học. Tỉnh Bình Định, lũ đã gây ngập nhiều trường học cũng như khu dân cư ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú của TP.Quy Nhơn và các xã khu Đông huyện Tuy Phước như Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận…

Trong chiều ngày 7.11, một loạt trường THCS, tiểu học, mẫu giáo… trên địa bàn các huyện Phù Cát, Tuy Phước đã phải cho học sinh nghỉ học giữa chừng để tránh lũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem