"Lũ hề của Hobart" - những cỗ xe làm nên chiến thắng Normandy

Nguyễn Hoàng Thứ ba, ngày 15/09/2020 06:30 AM (GMT+7)
Các mẫu xe tăng bắc cầu, phá mìn với thiết kế kỳ lạ của quân đội Anh đã thể hiện vai trò quan trọng trong chiến dịch đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến II.
Bình luận 0

"Lũ hề của Hobart" - những cỗ xe làm nên chiến thắng Normandy - Ảnh 1.

Xe tăng phá mìn được cải tiến từ mẫu xe tăng Sherman của Mỹ. Ảnh: Histoire

Đầu tháng 6/1944, hơn 150.000 binh sĩ quân đội phe Đồng minh đổ bộ lên bãi biển vùng Normandy, Pháp, bắt đầu cuộc tổng phản công chống lại quân đội Đức Quốc xã.

Để chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử này, quân đội Anh đã nghiên cứu chế tạo nhiều loại xe thiết giáp đặc chủng có khả năng lội nước, bắc cầu và phá mìn nhằm tạo tính bất ngờ trong tác chiến, theo L'histoire.

Phụ trách công việc này là tướng Percy Hobart, một chuyên gia về xe thiết giáp của Anh trên chiến trường Bắc Phi. Dưới sự chỉ đạo của Hobart, đơn vị Công binh hoàng gia chuyên về thiết giáp AVRE (Armored Vehicle Royal Engineer) đã tạo nên những chiếc xe có hình dạng kỳ lạ nhưng phục vụ rất hiệu quả hoạt động đổ bộ của binh sĩ.

Một trong những mẫu xe này là xe phá mìn được cải tiến từ xe tăng T10 Sherman M4A2 của Mỹ. Xe được trang bị thêm một hệ thống lưới kéo "Con cua", được đặt trên một trục bố trí phía trước xe, khi chuyển động sẽ bóc toàn bộ lớp đất phía trước mặt, phá hủy mìn nếu có.

"Lũ hề của Hobart" - những cỗ xe làm nên chiến thắng Normandy - Ảnh 2.

Xe bắc cầu AVRE Bridgelayer. Ảnh: Histoire.

Bên cạnh đó hai mẫu xe tăng bắc cầu AVRE Bobbin và Xe bắc cầu AVRE Bridgelayer với những thiết bị trải đường, bắc cầu cồng kềnh phía trước đã giúp binh sĩ tiết kiệm được rất nhiều công sức và tránh được thiệt hại về người. Trong các chiến dịch đổ bộ đường biển hồi Thế chiến I, quân đội Anh đã chịu tổn thất nhiều về lực lượng khi các binh sĩ buộc phải trực tiếp tiến hành việc lắp đặt cầu trước làn hỏa lực dày đặc của đối phương.

Trong khi đó mẫu xe Churchill Crocodile được cải tiến từ xe tăng Churchil có khả năng phun lửa tiêu diệt lính Đức đang ẩn nấp trong các công sự phòng thủ kiên cố. Xe được lắp thêm một bình chứa nhiên liệu to và cồng kềnh. Trong tác chiến thông thường, thùng chứa nhiên liệu phụ sẽ bị vứt bỏ để tăng tính cơ động của xe.

Do hình thù kỳ lạ, các sĩ quan và binh sĩ Đồng minh ban đầu đã đặt cho những cỗ xe này tên gọi "Hobart's Funnies" hay "Lũ hề" của Hobart và không mấy tin tưởng vào khả năng của chúng. Tuy nhiên, thực tế chiến đấu đã chứng minh Hobart là một chuyên gia thiết giáp tài năng.

Trong thời gian đầu của cuộc đổ bộ, khi các lực lượng bộ binh của Mỹ gặp rất nhiều khó khăn vì xe tăng lội nước của nước này bị lún và bị súng máy của Đức bắn trả dữ dội. Thì ở phía đông, do sử dụng các xe "Lũ hề", bộ binh Anh nhanh chóng tiến vào đất liền.

Tại các điểm đổ bộ trên bờ biển Juno, sư đoàn bộ binh của Canada cũng gặp tình huống sa lầy tương tự với xe tăng lội nước của nước này sản xuất, các xe "Lũ hề" được huy động, nhanh chóng bắc cầu đưa quân vào đất liền. 

"Nếu không có các cỗ xe với thiết kế kỳ lạ của Hobart, Đồng minh đã không thể nhanh chóng chiếm lĩnh và thiết lập các căn cứ vững chắc trên các vị trí đổ bộ. Và đây là điều kiện quan trọng để họ có thể đánh bật được quân Đức khỏi vị trí phòng thủ trước khi các lực lượng cứu viện đến tiếp ứng", các chuyên gia của L'histoire nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem