Lũ về, lại lo trẻ nhỏ đuối nước

Trọng Bình Thứ sáu, ngày 15/08/2014 08:15 AM (GMT+7)
Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu đang lên cao cảnh báo một mùa nước nổi tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Trong lúc này, việc phòng tránh đuối nước trẻ em được đặt lên hàng đầu.
Bình luận 0

Trẻ đuối nước tăng mạnh trong năm nay

Những năm qua, An Giang và Đồng Tháp, là 2 địa phương thuộc vùng đầu nguồn lũ của vùng ĐBSCL, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt và lại là nơi có số trẻ em chết đuối nước ở mức đáng báo động.

Ông Phan Văn Lê - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: “Ở An Giang dù đã tăng cường tối đa các biện pháp phòng tránh nhưng năm nào, mùa nước nổi cũng có vài vụ trẻ chết đuối nước. Riêng trẻ em chết đuối nước do lũ là vậy, còn chết đuối nước nói chung thì chắc chắn còn lớn hơn nhiều lần. Chúng tôi phân loại trẻ chết do ảnh hưởng của lũ theo tiêu chí riêng. Sở dĩ đặt ra những tiêu chí riêng là để chúng tôi gia tăng các biện pháp phòng tránh, hạn chế tối đa trẻ chết đuối nước trong mùa nước nổi”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đồng Tháp: Trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 46 vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Còn từ đầu năm 2014 đến cuối tháng 7.2014, đã có đến 35 em chết đuối nước (gần 80 trong số này là trẻ dưới 6 tuổi).

Ông Lê Hữu Dụng - Trưởng Phòng chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tình hình trẻ đuối nước gia tăng mạnh trong năm nay, đã đến mức báo động. Trước tình hình trên, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về việc tăng cường công tác phòng ngừa đuối nước trẻ em”.

Tự nguyện giữ trẻ giúp dân

Trước tình hình trẻ em chết đuối nước gia tăng báo động, trong mùa nước nổi năm nay, các địa phương ở ĐBSCL đều có kế hoạch bảo vệ chăm sóc trẻ với quyết tâm hạn chế thấp nhất tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước. Tại An Giang, hầu hết các điểm (nhà) giữ trẻ đã và đang được chọn trong mùa nước nổi đều theo “tiêu chí” là mượn nhà dân, hay văn phòng khóm, ấp.

Theo khảo sát của phóng viên NTNN, hiện tại các điểm giữ trẻ tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã bắt đầu hoạt động. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, khóm Bình Khánh 4, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên cho biết: “Nhà tôi cơ sở có sẵn, phù hợp với việc giữ trẻ. Dù chưa có hỗ trợ gì nhưng tôi vẫn tự nguyện thực hiện giữ trẻ. Quan trọng là giúp cho nhiều người lao động nghèo, họ đi đồng mà không phải mang con theo hoặc bỏ tụi nhỏ ở nhà một mình, nước mênh mông, nguy hiểm vô cùng”.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các Phòng LĐTBXH các huyện, thị thành trong tỉnh phối hợp với các phòng NNPTNT cùng cấp để xác định các đối tượng trẻ thuộc vùng lũ, ngập sâu, vùng xa để tập trung dành phần hỗ trợ; các nơi còn lại xin kinh phí địa phương hoặc vận động cộng đồng chung tay góp sức”.

“Tại Đồng Tháp, địa phương đã và đang triển khai duy trì các mô hình và dự án nhằm giảm thiểu trẻ đuối nước. Một số chương trình, dự án cụ thể như: Ngôi nhà an toàn; Cộng đồng an toàn; Trường học an toàn; Nhà trẻ mẫu giáo an toàn; Chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em; Chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước” - ông Dụng thông tin thêm.

   Trang bị bể bơi di động

UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bách thực hiện kế hoạch trang bị bể bơi di động cho 5 huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười và Cao Lãnh. Mỗi huyện sẽ được trang bị 4 bể bơi di động để đặt tại các trường tiểu học nhằm phục vụ cho việc dạy bơi cho trẻ trong mùa nước nổi này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem